Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phòng vệ thương mại ngày càng phức tạp

 Hội nhập kinh tế quốc tế tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhưng kèm theo đó, tần suất và sự phức tạp trong các vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt thông tin để chủ động ứng phó với xu hướng này.

Thép nằm trong số các mặt hàng chịu nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại.

Gia tăng các vụ kiện

Cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ngày một lớn, việc tìm kiếm mở rộng thị trường cũng thuận lợi hơn khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Thế nhưng đi kèm với đó là số vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng và có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn. Theo Bộ Công thương, tính đến ngày hết tháng 10 năm 2018, có tới 141 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 27 vụ (chiếm khoảng 20%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 20 vụ (chiếm khoảng 15%); thứ ba là Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%).

Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (81 vụ việc, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (27 vụ, chiếm 18%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (14 vụ việc, chiếm 9%). Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp PVTM nhất phải kể tới là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép...

Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hội nhập kinh tế tất yếu kéo theo xu hướng gia tăng các biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước; đồng thời, duy trì việc làm cho người lao động. Việt Nam lâu nay vẫn thường xuyên đối diện với các vụ kiện PVTM, tuy nhiên gần đây số vụ kiện có xu hướng gia tăng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm có chưa tới 10 vụ việc PVTM, thì khoảng 5 năm gần đây đã tăng lên 13 - 14 vụ việc/năm. Đáng chú ý, các biện pháp PVTM được các nước áp dụng với bất cứ sản phẩm xuất khẩu nào của Việt Nam.

Chủ động ứng phó

Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương): Hàng hoá bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thuỷ sản, da giày mới bị kiện, bây giờ ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng bị thế giới đưa vào “tầm soi”. Đáng quan ngại hơn, các biện pháp phòng vệ hiện nay không còn đơn giản như trước mà được “ngụy trang” dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau, như để bảo đảm an ninh quốc gia hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Đặc biệt, các vụ kiện PVTM còn phát sinh những xu hướng mới như: kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện đô-mi-nô (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về PVTM.

Bởi vậy, theo ông Trung, các DN cần phải hết sức chủ động trong việc nắm bắt và trang bị thông tin thuộc các lĩnh vực liên quan để có thể đối phó các nước nhập khẩu khi họ đưa ra các biện pháp bảo hộ.

Nắm rất rõ tình hình của ngành thép - một trong những lĩnh vực thường xuyên đối diện với các vụ kiện PVTM, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, những vụ kiện PVTM mà ngành thép phải đối mặt đến từ các thị trường tương đối lớn như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN, thậm chí cả những nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu... Những vụ kiện này đã, đang và sẽ đặt ra khó khăn nhất định tới xuất khẩu thép trong thời gian tới.

Nói về xu hướng bảo hộ của thế giới đang ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các nước đều sẽ sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ hàng hóa trong nước khi nền kinh tế ngày càng mở cửa. Để hạn chế các tác động tiêu cực của xu thế này đối với các DN Việt Nam, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể như giải pháp thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội DN về xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường.

Theo Bộ Công thương, cho tới nay, Việt Nam đã khiếu kiện 5 vụ việc ra WTO, trong đó 2 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam), 1 vụ đã kết thúc giai đoạn phúc thẩm (với kết quả thuận lợi cho ngành thép Việt Nam), 2 vụ đang trong quá trình xét xử (vụ việc chống bán phá giá cá tra và chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ).

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM