Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Phao" cho thép Việt

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2010, thép nội sẽ vẫn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của thép nhập khẩu giá rẻ.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp bàn với Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các Bộ ngành liên quan về việc đề ra những biện pháp nhằm kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được. Đây được cho là những động thái tích cực nhằm tăng sự cạnh tranh của thép nội tại “sân nhà”.

Thép nhập khẩu giá rẻ - rào cản lớn

Theo nhiều chuyên gia, năm 2010 là năm nền kinh tế thế giới đã thoát đáy khủng hoảng và bắt đầu phục hồi, đẩy nhu cầu về nhiều sản phẩm lên cao, trong đó có những sản phẩm từ thép. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Năm 2010, ngành thép Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh với thép ngoại giá rẻ khi thép Việt không còn nhận được nhiều ưu đãi như năm trước".

Minh chứng cho nhận định đó, ông Cường chỉ ra rằng, trong năm 2009, khi thép Việt vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với thép ngoại, Chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%; tăng thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm từ 12% lên 15%; thép cán nguội từ 7% lên 8%; thép mạ kẽm và sơn phủ từ 12% lên 13%; thép cuộn chứa hợp kim Bo dùng làm thép xây dựng tăng từ 0% lên 10%... Tuy nhiên, sang năm 2010, một số sản phẩm thép theo lộ trình quy định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi về thuế thập khẩu. Trong khi đó, thép Việt trong năm 2010 vẫn sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là "đại gia" thép giá rẻ thế giới - Trung Quốc. Theo thống kê, hiện Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu lớn thứ 2 các sản phẩm thép của Trung Quốc (từ tháng 1 đến tháng 11/2009, Trung Quốc xuất khẩu 1,34 triệu tấn các sản phẩm thép đến Việt Nam).

Ngoài ra, giá thành sản xuất thép Việt cũng đang bị đẩy lên cao do những nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng đang ở mức cao hơn so với năm 2009.

"Phao" cho thép Việt

Trước những khó khăn như vậy, Hiệp hội Thép đã có những kiến nghị gửi Bộ Công Thương về việc có những kiểm soát, bảo vệ có thời hạn các sản phẩm thép của Việt Nam khi thép ngoại đang được nhập ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt là với các sản phẩm Việt Nam sản xuất dư thừa như thép cán nguội, thép cuộn... Theo ngành thép, việc bảo vệ có thời hạn chính là giúp doanh nghiệp có thể đổi mới, đầu tư công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, động thái này cũng nhằm đảm bảo cho đời sống của hàng vạn lao động ngành thép. Bên cạnh đó, theo ông Cường, “nếu giảm nhập siêu thép, ta có thể tiết kiệm được gần 700 triệu USD”.

Và để trợ giúp cho thép nội trong việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước, giảm nhập siêu, góp phần cân bằng cán cân thương mại, tạo tiền đề cho ngành kinh tế phát triển, mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp bàn với Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các cơ quan quan chức năng về việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được. Theo đó, Bộ Công Thương đã giao cho Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các vụ chức năng liên quan rà soát lại chủng loại thép nhập khẩu theo từng mẫu mã. Từ đó sẽ chỉ ra loại nào thực sự cần thiết nhập khẩu, loại nào trong nước đã sản xuất được để có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét tăng thuế nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Vụ Công nghiệp nặng cũng có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ngành thép và xem xét việc cấp các dự án mới về sản xuất thép.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã giao cho Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với Vụ Công nghiệp nặng, Vụ chính sách thương mại đa biên trên cơ sở nội dung các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia để nghiên cứu bổ sung vào Thông tư về cấp giấy phép xuất khẩu tự động đối với các sản phẩm thép cần kiểm soát nhập khẩu.

Một trong những lý do khiến cho thép nhập khẩu có được giá bán lợi thế hơn thép nội là do một phần được nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường buôn lậu, trốn thuế. Do vậy, việc tìm những biện pháp cứng rắn hơn nữa nhằm khắc phục tình trạng này cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Cho nên, Tổng cục Hải quan đã được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm soát xuất xứ hàng hoá để chống gian lận thương mại nhằm bảo vệ thép sản xuất trong nước cũng như tăng thu cho ngân sách.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu có giá bán rẻ hơn những sản phẩm cùng loại trong nước do chất lượng kém hơn. Điều đáng nói là những sản phẩm này được nhập ồ ạt vào Việt Nam một phần do Việt Nam chưa hoàn thành những quy chuẩn để tạo hàng rào kỹ thuật kiểm soát mặt hàng này. Cho nên, Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc xây dựng “Quy chuẩn thép cán nguội” để trình Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua và ban hành. Khi hoàn thành, quy chuẩn này sẽ là một công cụ đắc lực để kiểm soát thép nhập khẩu, cũng là bảo vệ cho thép nội tại “sân nhà”.

(VEN)

ĐỌC THÊM