Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam: Nâng cao chất lượng thẩm định dự án

Ngày 26-8, Báo SGGP đã đăng bài phát triển thương hiệu thép Việt Nam-"cuộc chiến không cân sức" báo động tình trạng nhiều siêu dự án thép có vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam và nguy cơ biến mất của những thương hiệu thép Việt Nam. Sau đó, PV Báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với ông Đinh Huy Tam (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam về vấn đề này.

* Ông suy nghĩ gì về những vấn đề mà Báo SGGP đã đặt ra?
* Theo tôi, quy hoạch ngành thép là chiến lược. Dĩ nhiên trong quy hoạch có thể có sai số và cần điều chỉnh theo thời gian nhưng với tỷ lệ vừa phải. Nhìn lại những dự án đã được cấp phép, tôi thấy quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt gần như bị phá vỡ.

Đáng lo là khi các dự án này đi vào hoạt động, lượng thép được sản xuất ra quá thừa so với dự báo nhu cầu sử dụng trong nước. Có thể những nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước tính đến chuyện xuất khẩu, nhưng nếu nhìn vào sản lượng thép của những nước láng giềng thì có thể thấy tính khả thi rất kém của phương án này.

Trung Quốc hiện sản xuất trên 550 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 65 triệu tấn thép các loại (tổng sản lượng của VN hiện là 6,5 triệu tấn, bằng 1/10 sản lượng xuất khẩu và 1/90 tổng sản lượng của Trung Quốc); còn sản lượng của Nhật Bản là 100 triệu tấn/năm; Hàn Quốc chỉ riêng tập đoàn Posco cũng đã có sản lượng trên 30 triệu tấn/năm, gấp 5 lần sản lượng của VN…

Vấn đề thứ hai là tính chủ động của VN đối với ngành thép, một mặt hàng quan trọng trong phát triển công nghiệp (được ví như là lương thực của các ngành công nghiệp). Trong số 5 siêu dự án đã được cấp phép hoặc đang trong quá trình xem xét, đã có 3 dự án 100% vốn nước ngoài, trong đó 2 dự án đã được cấp phép là Formusa, Tycoon-E.United.

Hai dự án liên doanh thì phía VN đóng vai trò khá thấp như dự án khu liên hợp thép liên doanh giữa tập đoàn Tata với Tổng công ty Thép Việt Nam, phía VN chỉ góp 35% vốn (đã được cấp phép)… Như vậy, rõ ràng khi các siêu dự án trên đi vào hoạt động, chúng ta gần như mất chủ động trong lĩnh vực này.

* Những siêu dự án đã được cấp phép đầu tư có thời gian lập dự án, thẩm định và cấp phép khá nhanh. Điều này thể hiện những cải tiến trong thủ tục cấp phép, tuy nhiên không ít người lo ngại về tính khả thi của dự án. Ông nghĩ sao về lo ngại đó?
* Thực tế đã có không ít dự án đầu tư FDI sau khi “xí” được địa điểm tốt, được cấp phép đã không triển khai, thậm chí còn rao bán trên thị trường quốc tế. Riêng trong lĩnh vực thép có 2 dự án 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép khá lâu nhưng vẫn chưa triển khai. Trong đó có dự án thép không gỉ vừa bị thu hồi giấy phép hồi đầu tháng 8-2008 vì tuy có tổng đầu tư cả tỷ USD nhưng hiện nay thậm chí đơn vị này không đủ tài chính để trả luận chứng kinh tế. Còn dự án của Tycoon tại Dung Quất sau 2 lần thay đối tác và tuy đã làm lễ động thổ nhưng xem ra vẫn có nguy cơ thay đổi.

Chúng ta không thể trách nhà đầu tư vì họ tìm mọi cách để có lợi nhuận. Nếu có trách thì trách người thẩm định các dự án đã không thẩm định chính xác tính khả thi của dự án và chưa hiểu về nhà đầu tư. Theo tôi, những nguyên tắc cơ bản trong thẩm định cấp giấy phép đầu tư vào lĩnh vực thép thời gian qua chưa được tuân thủ. Thứ nhất, chưa tuân thủ quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – có dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được cấp phép đầu tư. Điều này tạo độ vênh khá lớn và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch; thứ hai, việc lựa chọn đối tác cũng còn nhiều việc phải bàn.

* Ông nghĩ thế nào về tương lai của những thương hiệu thép VN?

* Điều này rất khó nói. Với chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong nước. Theo tôi, chúng ta cần xem xét kinh nghiệm của Trung Quốc trong cấp phép đầu tư vào lĩnh vực thép như không cho nước ngoài góp vốn liên doanh quá 30%... Hiện nay luật của chúng ta đã và đang tiến tới sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Như vậy, một thời gian các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khối tư nhân đã phải chịu thiệt thòi do chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài, nay họ lại không thể nhận được sự ưu tiên từ Nhà nước.

Tuy nhiên, theo tôi, muốn xây dựng thương hiệu cho thép VN, Nhà nước cần dồn các nguồn lực cho một vài đơn vị thay vì dàn trải như hiện nay. Có thể đưa ra ví dụ, mỏ khoáng sản lớn cho ngành thép Việt Nam tại Hà Tĩnh đã không được cấp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép dù ta có Tổng công ty Thép là một “đứa con” của Nhà nước. Nếu Tổng công ty Thép không đủ năng lực hay chưa thật mặn mà thì Nhà nước cần có chế tài bắt buộc hoặc chí ít có thể ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực thép…

* Theo ông, đâu là giải pháp để phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam?

* Trong số 5 siêu dự án đã được cấp phép và đang trong quá trình xem xét, theo tôi không phải dự án nào cũng đủ năng lực triển khai. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại những dự án này và tìm ra những đối tác tiềm năng thật sự – tức có năng lực tài chính, quản lý và công nghệ. Đối với những dự án đã được cấp phép, cần quy định chặt chẽ về thời gian triển khai, nếu quá hạn mà chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ thì kiên quyết thu hồi giấy phép.

Với những dự án lớn, có nhiều lợi thế (vị trí, nguồn khoáng sản…) nhà nước cần có quy định để các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh, hợp tác cùng khai thác lợi thế. Cuối cùng là nâng cao chất lượng thẩm định dự án của các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ trong lĩnh vực thép mà trên nhiều lĩnh vực khác.

* Xin cảm ơn ông.
SGGP

ĐỌC THÊM