Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Nóng" chuyện gian lận xăng dầu, thép tồn kho

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương kiểm điểm các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm.

 

Ngày 5-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng trong quý III năm 2010.

Hơn 2.600 vụ gian lận xăng dầu

Theo báo cáo của TTCP, trong công tác quản lý xăng dầu từ năm 2007 đến 2009, Bộ Công thương chưa triển khai hoạt động thanh tra về kinh doanh xăng dầu, chưa kiểm tra các doanh nghiệp (DN) đầu mối (11 DN). Việc thiếu kiểm tra, đôn đốc đã khiến cho tình trạng gian lận xăng dầu tràn lan. Chỉ trong hai năm 2007-2008, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện trên 2.600 vụ gian lận xăng dầu với giá trị vi phạm trên 831 tỉ đồng, đã xử phạt gần 10 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan đã bỏ lọt nhiều DN nhập khẩu thiếu số lượng theo hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu và xuất khẩu, tái xuất trên 100.000 tấn dầu mà không báo cáo. Ngoài ra, trong quá trình vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Bộ Công thương cũng để xảy ra tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh, kiểm soát các khoản thu của ngân sách nhà nước. Qua kiểm tra cho thấy Bộ Công thương chưa làm tròn vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng cơ chế phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; không thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị đầu mối về thực tế lượng tồn kho theo các kỳ báo cáo, nhập khẩu là chưa đúng với các quy định tại Nghị định 55/2007/NĐ-CP.

Sự quản lý thiếu sót của Bộ Công thương là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng thép thành phẩm tồn kho hơn 2 triệu tấn. Ảnh minh họa: HTD

Tồn kho hơn 2 triệu tấn thép

Đối với lĩnh vực sắt, thép, Bộ Công thương chưa thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những bất cập, kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong việc tổ chức thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường trong quản lý quy hoạch ngành thép. Trong giai đoạn 2007-2009, bộ này chưa tổ chức thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh thép. Năm 2008, bộ chỉ lập một đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Ngoài ra, công tác tổ chức nhiệm vụ bình ổn thị trường theo hướng không tăng giá thép của Bộ Công thương đối với Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả của công tác bình ổn thị trường chưa cao, người tiêu dùng, các công trình xây dựng… chưa tiếp cận được với giá bán theo chỉ đạo khiến lợi nhuận DN bị giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn vốn và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Bộ Công thương đã ban hành và gỡ bỏ giấy phép xuất khẩu tự động chậm so với diễn biến của thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng thép thành phẩm tồn kho lớn (hơn 2 triệu tấn). Lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho đến tháng 10-2008 khoảng hơn 2 triệu tấn cũng không được đề cập trong báo cáo.

Theo tính toán, trong năm 2008, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) đã giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng, riêng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giảm gần 200 tỉ đồng. Sau hai năm thực hiện quy hoạch ngành thép (2007-2009) có 65 dự án sản xuất gang, thép được triển khai; ngoài quy hoạch có 48 dự án. Có 32 dự án đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công thương. TTCP nhận định: Bộ Công thương đã thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn kịp thời tình trạng cấp phép tràn lan tại các địa phương nên dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch ngành thép.

Sau khi TTCP có kết luận, Thủ tướng đã đồng ý xử lý các sai phạm theo kiến nghị Thanh tra, yêu cầu Bộ Công thương kiểm điểm các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm nói trên.

Vụ Tamiflu: chờ ý kiến Thủ tướng. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản cho biết kết luận về những sai phạm trong kế hoạch mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphat là hoàn toàn có cơ sở. Ông cho hay: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng xem xét nhưng hiện vẫn chưa có chỉ đạo. Sau khi Thủ tướng có ý kiến, Thanh tra Chính phủ sẽ thông báo rộng rãi”.

30 ngày để hoàn tất công tác thanh tra Vinashin. Đề cập tới tiến độ thanh tra tại Vinashin, ông Ngô Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ 2) - Trưởng đoàn thanh tra, cho biết còn 30 ngày để hoàn tất công tác thanh tra. Lần thanh tra này sẽ làm rõ các vụ việc, trong đó tập trung vào chuyện đóng tàu, vận tải và công nợ.

Nguồn: phapluattp

ĐỌC THÊM