Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nở rộ dự án thép ngoài quy hoạch: vì sao?

Khó nói "không" với dự án thép ngoài quy hoạch khi dự án đó đã được các cấp có thẩm quyền ở địa phương cấp phép.

Đến nay, có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có 7 dự án; Hải Phòng có 5 dự án; Thanh Hoá, Hải Dương cùng có 4 dự án; Hà Tĩnh có 3 dự án; Cao Bằng, Bắc Kạn, Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Thuận, mỗi địa phương có 1 dự án. Trong số 32 dự án thép ngoài quy hoạch này, chỉ có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và 5 dự án quy mô vừa được Bộ Công thương có ý kiến thoả thuận.

Theo Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có tính tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với những dự án ngoài quy hoạch nếu muốn triển khai phải được sự đồng ý của cơ quan phê duyệt quy hoạch đó (ở đây là Chính phủ), hay ít ra là được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý ngành được Thủ tướng ủy quyền (ở đây là Bộ Công thương).

Sự nở rộ các dự án thép ngoài quy hoạch, không được sự đồng ý của cơ quan phê duyệt quy hoạch được cho là bởi các quy định pháp hiện nay còn vênh nhau. Theo Bộ Công thương, Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật cho phép nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề pháp luật không cấm, mà luyện kim không thuộc lĩnh vực cấm đầu tư, không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài trừ sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp, phôi thép.

Còn Luật Xây dựng cũng quy định, những dự án có vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên không có trong quy hoạch nếu muốn đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Như vậy, các dự án thép được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư tuy không có trong danh mục Quy hoạch được duyệt, nhưng đều có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng (thuộc nhóm B và C). Vì vậy, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án trên, một số địa phương đã không xin phép Thủ tướng Chính phủ và không lấy ý kiến của bộ quản lý ngành.

Bộ Công thương cho rằng, đây là bất cập lớn và xuất phát từ sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Cụ thể, các dự án đầu tư đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Xây dựng. Theo Luật Đầu tư, các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng không có trong quy hoạch thì khi cấp giấy chứng nhận đầu tư không phải xin ý kiến thỏa thuận của cơ quan quản lý ngành.

Trong khi đó, theo Luật Xây dựng, Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định 112/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xây dựng, đối với các dự án nhóm B chưa có trong Quy hoạch ngành thì trước khi lập dự án, phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch (Khoản 3, Điều 5 Nghị định 16/2005/NĐ-CP). Như vậy, các dự án luyện kim không có trong quy hoạch ngành thép và thuộc nhóm B (vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng) vẫn phải xin ý kiến thoả thuận của cơ quan phê duyệt quy hoạch. Nghĩa là, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, các địa phương nếu chỉ căn cứ vào Luật Đầu tư thì chưa đủ.

Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho hay, việc phải quan tâm tới các quy hoạch ngành, các luật khác có liên quan trong từng lĩnh vực cụ thể là rất cần thiết trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Điều này cũng nhằm tránh phá vỡ các quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt.

Trước thực tế "đã rồi" của các dự án đầu tư vào ngành thép ngoài quy hoạch, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án mà địa phương đã cấp phép, dù ngoài quy hoạch, vào Quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.

Khó có thể đơn giản nói "không" với các dự án ngoài quy hoạch khi những dự án đó được chính các cấp có thẩm quyền ở địa phương cho phép, chứ không phải đầu tư "chui". Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng đã bỏ ra không ít tiền để triển khai dự án, thậm chí có dự án đã đi vào sản xuất trước cả các dự án được đưa ra trong quy hoạch.

Tuy nhiên, việc các cơ quan địa phương không chịu nghiên cứu kỹ các văn bản pháp quy để hướng dẫn đúng cho nhà đầu tư về trình tự, thủ tục phải thực hiện khi muốn đầu tư dự án thì không thể coi là "chuyện đã rồi", vì điều đó ảnh hưởng lớn đến quy hoạch phát triển ngành, cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam.

(Đầu Tư)

ĐỌC THÊM