Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những 'thủ phạm' của suy thoái kinh tế

Ngoài Bill Clinton, danh sách 25 nhân vật có "công" với suy thoái kinh tế còn có tên cựu tổng thống Mỹ George Bush và siêu lừa Bernard Madoff.

Dưới đây là 13 nhân vật còn lại trong danh sách 25 thủ phạm của suy thoái kinh tế do Time mới công.

13. Marion và Herb Sandler

Hai vợ chồng nhà Sandler. Ảnh: sfgate.

Vào đầu 1980, Ngân hàng Sandlers' World Savings là nơi đầu tiên cung cấp những khoản vay mạo hiểm để mua bất động sản, với tên gọi vay thế chấp với lãi suất điều chỉnh (ARM), một dạng của vay dưới chuẩn. Ngân hàng cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn để trả nợ và nhờ đó giảm bớt khoản tiền phải trả. Người đi vay sẽ phải chấp nhận rủi ro lãi suất tăng. Vào thời kỳ đầu khi vay, họ được hưởng lãi suất thấp hơn so với loại hình cho vay bình thường. Tỷ lệ vỡ nợ của loại hình cho vay này rất cao. Tuy vậy, Sandlers' World Savings vẫn duy trì mô hình kinh doanh của họ thêm hai thập kỷ nữa bằng những quảng cáo gây nhầm lẫn. Cặp đôi Marion và Herb Sandler bỏ túi 2,3 tỷ USD khi họ bán Ngân hàng cho Wachovia. Năm 2008, đến lượt Ngân hàng Wells Fargo ôm gói thuốc nổ khi mua lại Wachovia.

14. George W. Bush

Cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh: guardian

Các nhà đầu tư không biết phải nên cảm ơn hay oán trách cựu Tổng thống George Bush. Một mặt, ông đã ra nhiều quyết định cởi trói cho ngân hàng, các nhà môi giới thế chấp và sớm phát hiện, đề xuất các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với hai đại gia cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Mặt khác, ông đã không thể thuyết phục Quốc hội đồng thuận với quan điểm của mình. Sau scandal của hãng năng lượng khổng lồ Enron, Bush đã ký duyệt đạo luật Sarbanes-Oxley nhằm bảo vệ nhà đầu tư và tạo những thay đổi quan trọng trong luật chứng khoán Mỹ kể từ sau Đại suy thoái 1930. Tuy nhiên, đạo luật này gần đây bị các nhà phân tích cho là đã cản trở tính cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp Mỹ. Và cuối cùng, chính Bush là người chứng kiến sự suy sụp của hệ thống tài chính Mỹ cũng như toàn thế giới trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

15. Stan O'Neal

Cựu CEO của Ngân hàng Merrill Lynch, Stan O'Neal. Ảnh: Bloomberg

Stan O'Neal giữ chức CEO tại Ngân hàng Merrill Lynch trong vòng 6 năm, kết thúc nhiệm kỳ vào 2007. Từ một ngân hàng thân thiện, Merrill Lynch được O'Neal cải tạo thành một kẻ tham lam, lún ngày càng sâu vào canh bạc mua bán nợ thế chấp có bảo đảm, hầu hết trong số đó là trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Tính đến tháng 6/2006, trị giá trái phiếu dưới chuẩn và nợ thế chấp trong tay Merrill Lynch đã lên đến 41 tỷ USD. Khi thị trường dưới chuẩn suy sụp, Merrill Lynch rơi vào khủng hoảng và sau đó bị Bank of America thâu tóm là điều không làm ai ngạc nhiên.

16. Trung Quốc

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ảnh: zhaotongok

Việc Trung Quốc góp mặt trong danh sách "thủ phạm" chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của nước này đối với kinh tế thế giới. Với nguồn tài sản dồi dào, Trung Quốc đã mua quá nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ trong suốt 8 năm trở lại đây. Nước này trở thành chủ nợ lớn nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị tài sản nắm giữ lên đến 1,7 nghìn tỷ USD.

17. David Lereah

Chân dung David Lereah. Ảnh: idealista.

Nếu một chuyên gia nào đó nói vu vơ rằng thị trường bất động sản sẽ ngày càng phát triển, nhà đầu tư sẽ ít nhiều hoài nghi. Tuy nhiên, tuyên bố này được chính David Lereah, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Kinh doanh Bất động sản Mỹ phát ngôn nên người ta tin ngay lập tức. Ông nhắc đi nhắc lại trong các buổi phỏng vấn truyền hình rằng nhà đất là một kênh đầu tư đúng đắn. Ông thúc giục mọi người vay tiền mua nhà trong cuốn sách "Có phải bạn đã bỏ lỡ cuộc bùng nổ Bất động sản" xuất bản năm 2005. Năm 2006, ông cũng tỏ chút thái độ hoài nghi nhưng chỉ sang đầu 2007, ông khiến nhà đầu tư tiếp tục vay tiền mua nhà sau tuyên bố: "Thị trường bất động sản đã vượt đáy".

18. John Devaney

Ông chủ quỹ đầu cơ John Devaney. Ảnh: usatoday.

John Devaney là đại diện tiêu biểu nhất cho giới đầu cơ. Các quỹ này đóng vai trò to lớn trong lĩnh vực mua bán tài sản thế chấp. Bằng việc mua lại các khoản nợ có tài sản thế chấp, Devaney và nhiều ông chủ quỹ đầu cơ khác đã kích thích vòng quay ngày càng phát triển. Chủ nợ cho khách hàng vay dưới chuẩn, rồi bán những tờ giấy nợ đó kiếm lời. Về phần mình, quỹ đầu cơ háo hức mua lại đống giấy này với hy vọng sẽ thu lại khoản lợi nhuận béo bở khi người vay trả tiền. John Devaney có hẳn một quỹ trị giá 600 triệu USD, chuyên mua lại các khoản nợ nguy hiểm. Tệ hơn, Devaney biết rõ những khoản vay này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vào đầu năm 2007, khi nói về vay thế chấp với lãi suất điều chỉnh (ARM), ông từng phát biểu: "Chỉ có người điên mới đi mua lại những khoản vay này. Thế nhưng đây lại là lĩnh vực kinh doanh béo bở nhất của chúng tôi".

19. Bernard Madoff

Huyền thoại một thời của Phố Wall, hóa ra lại là tay lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: AP.

Vụ lừa đảo lịch sử trị giá 50 tỷ USD của Bernard Madoff đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngân hàng, quỹ đầu cơ, tổ chức tài chính lớn. Tổng cộng, số nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của Madoff lên đến 3 triệu người. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người Mỹ cảm thấy cay đắng nhất là Bernard Madoff đã diễn trò suốt nhiều thập kỷ ngay trước mũi các nhà chức trách. Sự thật này đã dẫn đến lòng nghi ngờ về trình độ quản lý của các nhà lãnh đạo trong hệ thống tài chính Mỹ. Tâm lý lo ngại trong dân chúng khiến suy thoái trở nên càng tồi tệ hơn.

20. Lewis Ranieri

"Cha đẻ" của trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Ảnh: businessweek.

Lewis Ranieri được xem là "cha đẻ" của trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Vào cuối những năm 1970, Lew Ranieri là người đầu tiên dùng từ "chứng khoán hóa", chỉ các khoản vay bất động sản được biến thành các giấy tờ có giá rồi bán cho nhà đầu tư tại Phố Wall. Đến năm 1984, Lew Ranieri khoác lác rằng việc kinh doanh tài sản thế chấp của ông tạo ra nhiều tiền hơn tất cả các giao dịch tại Phố Wall cộng lại. Quả thật thời kỳ hoàng kim của giao dịch trái phiếu bằng tài sản thế chấp bùng nổ vào đầu những năm 2000, vực Phố Wall khỏi thời kỳ làm ăn bết bát. Các hãng đầu tư được đà xông lên, đổ nhiều khoản tiền khổng lồ đặt cược vào chứng khoán loại hình này. Tuy nhiên, khi những người đi vay dưới chuẩn bắt đầu không trả được nợ, thị trường chững lại và giá trái phiếu xuống dốc không phanh. Vào thời điểm đó, các ngân hàng đầu tư đã nuốt quá nhiều món tài sản độc hại. Hệ quả tất yếu là ngân hàng lần lượt sụp đổ và các nhà đầu tư cùng nhau mất tiền.

21. Burton Jablin

Ông hoàng truyền hình cũng bị lôi vào vòng xoáy của suy thoái kinh tế. Ảnh: Time.

Không chỉ các nhà kinh tế mà cả ông hoàng truyền hình của kênh Scripps Networks, Burton Jablinw cũng bị đổ trách nhiệm trong suy thoái tài chính. Là ông chủ của kênh HGTV và nhiều kênh khác, ông đã tiếp khá nhiều sức lực trong việc việc thổi căng trái bóng bất động sản. Với uy tín của mình, Jablin khiến các chương trình truyền hình về bất động sản được đón nhận nhiệt liệt ở 97 triệu hộ gia đình trên khắp nước Mỹ. Ông sản xuất các chương trình ăn khách như "Trang trí nhà cửa trước khi bán" hay "Nhà tôi trị giá bao nhiêu" khiến khán giả phát cuồng và càng đam mê đổ tiền vào bất động sản.

22. Fred Goodwin

Fred Goodwin được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Sir vào năm 2004. Ảnh: Guardian.

Giới đầu tư và bình luận thế giới ưu ái dành cho ông chủ của Royal Bank of Scotland (RBS), nhiều biệt danh như "nhà ngân hàng tệ nhất thế giới", hay "người hoang tưởng", hay thậm chí là "kẻ tham lam". Chủ trương của ông mua lại tất cả các ngân hàng và định chế tài chính có thể, bất chấp hiệu quả kinh tế. Kết quả tích cực là không lâu sau khi nắm quyền, ông đã biến RSB từ một ngân hàng tỉnh lẻ đột ngột ngoi lên trở thành một trong năm ngân hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu dần u ám vào năm 2007, ông vẫn quyết tâm mua lại đối thủ là Ngân hàng Hà Lan ABN Amro, dù cái giá 100 tỷ USD không hề rẻ. Vụ mua bán đã làm ngân khố của RSB cạn kiệt, trong khi Amro đã chứng tỏ là miếng mồi quá lớn, ngoài khả năng tiêu hóa của RBS. Kết quả là mùa thu năm ngoái, chính phủ Anh phải rót 30 tỷ USD cho ngân hàng này. Năm 2008, RSB là ngân hàng có thua lỗ lớn nhất nước trong lịch nước Anh.

23. Sandy Weill

Sandy Weill, người đem lại thành công lẫn thất bại cho Citigroup. Ảnh: charlierose.

Ban đầu chỉ là ngân hàng cho vay cấp thấp, Citigroup đã phát triển vượt bậc trở thành tập đoàn tài chính lớn nhất nhì của nước Mỹ dưới tay Sandy Weill. Tuy nhiên, cùng với cựu Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ Phil Gramm, ông là người đã đứng ra vận động hàng lang hủy bỏ luật Glass-Steagall. đạo luật hạn chế các ngân hàng tham gia những hoạt động kinh doanh rủi ro. Kết cục mà Citigroup nhận lấy ngày hôm nay là trở thành một trong những khối rắc rối lớn nhất của chính phủ Mỹ. Do đó, cho đến nay chính phủ Mỹ đã phải rót 45 tỷ USD để duy trì sự sống cho Citi, với quyết tâm không thể để tập đoàn này phá sản.

24. David Oddsson

Chân dung David Oddson. Ảnh: dailymail.

Trong hai thập kỷ nắm cương vị Thủ tướng Iceland và sau đó là Thống đốc Ngân hàng Trung ương, David Oddsson đã lấy đất nước nhỏ bé của ông ra làm vật thí nghiệm cho lý thuyết về kinh tế thị trường. Ông tư nhân hóa 3 ngân hàng lớn nhất, áp dụng chính sách thả nổi tiền tệ, và tạo ra thời kỳ vàng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thí nghiệm của David Oddson đã thất bại và Iceland phá sản vào năm 2008. Giờ đây, quốc gia nhỏ bé này vinh dự được cho vào sách giáo khoa kinh tế, minh họa cho mục "đóng băng kinh tế vĩ mô". Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã vào cuộc để giúp vực dậy tiền tệ nước này, vốn đã mất một nửa giá trị.

25. Jimmy Cayne

CEO "mơ ngủ" Jimmy Cayne. Ảnh: umbc

Trong khi nhiều CEO Phố Wall đang quay cuồng trong cơn bão tài chính, có một người dường như vẫn còn mơ ngủ là CEO Jimmy Cayne của Ngân hàng Bear Stearns. Ông vẫn ung dung dùng trực thăng đi đánh golf hơn 3 ngày trời hay đều đặn tham gia các cuộc thi đấu thể thao. Thậm chí người ta còn bắt gặp Cayne sử dụng chất kích thích. Hai quỹ đầu cơ lớn của Bear Stearns đã sụp đổ vào giữa năm 2007. Ngoài ra, tập đoàn này còn nắm giữ hơn 40 tỷ trái phiếu tài sản thế chấp hầu như đã vô giá trị. Vào đầu năm 2008, Ngân hàng Bear bị bán cho JPMorgan với cái giá còn bèo bọt hơn giá trị của tòa nhà dùng làm văn phòng công ty.

(vnExpress)

ĐỌC THÊM