Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguy cơ "bội thực" thép và nhiều hệ lụy

Với gần một nửa dự án “vượt rào” trên tổng số 65 dự án sản xuất thép đã và sẽ đi vào sản xuất, Quy hoạch ngành thép đang trong tình trạng “mở đến vỡ kế hoạch” và hệ lụy sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng “bội thực thép”. Lúc này, các giải pháp “rắn” đưa ra cũng khó lòng xoay chuyển tình thế!

Ngay từ đầu năm 2008 tức là chỉ sau vài tháng, Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 - 2015 được Chính phủ phê duyệt, những cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất thép trong nước, mất cân bằng cung cầu thép, mất cân bằng về năng lượng và cơ sở hạ tầng, lãng phí vốn đầu tư xã hội, ô nhiễm môi trường... đã được nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm “làm thép” liên tục nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Sản xuất thép cần có quy hoạch cụ thể.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, từ khi Quy hoạch thép được phê chuẩn đến nay, VSA đã có một loạt công văn gửi Chính phủ, Bộ Công thương cảnh báo về tình trạnh này. Ngay cả khi Bộ Công thương “vào cuộc” và Chính phủ đã có văn bản ngày 19/3/2009 chỉ đạo tạm dừng cấp phép dự án thép thông thường thì “cơn sốt nhà nhà làm thép, tỉnh tỉnh làm thép” không vì thế mà hạ nhiệt. Tính đến nay, cả nước có tới 30 tỉnh, thành có dự án sản xuất gang thép; trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có tới 15 dự án, Hải Phòng 9 dự án; Phú Thọ và Hà Tĩnh có 4 dự án; các tỉnh có 3 dự án là Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hưng Yên...

Hiện, VSA hết sức lo ngại bởi ngành sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt không chỉ đến từ khu vực ASEAN (với mức thuế suất nhập khẩu thép là 0%) và từ cường quốc sản xuất thép Trung Quốc (với năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới) mà còn từ chính nội bộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép hàng tháng, hàng năm hiện chỉ đạt trên 60% công suất sản xuất thì việc nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước khốn đốn, thậm chí trên bờ vực phá sản khi giá thép thế giới “nóng lạnh” thất thường như thời gian vừa qua chính là minh chứng rõ nét nhất.

Vì vậy, để xảy ra tình trạng “mở đến vỡ kế hoạch” rồi mới thực thi những giải pháp “rắn” như đình chỉ, rút giấy phép đầu tư hoặc chuyển đổi chủ đầu tư đối với các dự án “vượt rào” hoặc kém hiệu quả như đề nghị mới đây Bộ Công thương là rất khó thực hiện, bởi hầu hết các dự án này đã đi vào sản xuất hoặc chuẩn bị hoàn thành.

Trước tình trạng Quy hoạch ngành thép “mở đến vỡ kế hoạch” như hiện nay, Bộ Công thương khẳng định sẽ rà soát kỹ lưỡng và tiến hành khảo sát thực tế các dự án, chứ không chỉ dựa trên báo cáo của địa phương. Bộ Công thương cũng sẽ xem xét một số dự án “vượt rào” nhưng có khả năng sản xuất những mặt hàng thép trong nước chưa sản xuất được như thép cán tấm nóng, thép hình, phôi, sắt xốp, gang... để đưa vào Quy hoạch ngành thép bởi xét đến cùng, tính hiệu quả của dự án là quan trọng nhất chứ không phải vấn đề tại sao có quá nhiều dự án thép.

Trong khi những tranh luận xung quanh độ “mở” của Quy hoạch ngành thép vẫn chưa dừng lại thì VSA vẫn tiếp tục cảnh báo: Chính phủ và Bộ Công thương cần siết chặt lại kỷ cương trong đầu tư ngành thép nếu không muốn nhận thêm bài học cay đắng về đầu tư tràn lan, kém hiệu quả kiểu “mía đường” trước đây và kiểu “đóng tàu - Vinashin” vừa qua.

Nguồn: suckhoedoisong

ĐỌC THÊM