Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nghịch lý ngành thép: Giảm giữa mùa "nóng"

Từ đầu mùa, trước sức ép của thép ngoại, các DN trong nước đã 3 lần giảm giá, mỗi tấn thép giảm 600.000 - 700.000 đồng. Đến thời điểm cuối tháng 10, giá thép cuộn ở mức 10,5 - 10,9 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế GTGT và giá đã giảm gần 1 triệu đồng/tấn so với mức giá lúc cao nhất vào quý II năm nay.

Giá giảm vẫn... ế

Bất chấp những nỗ lực của DN, theo thống kê của Hiệp hội Thép VN, lượng thép tiêu thụ trong tháng 10 vẫn giảm so với những tháng trước đó. Nếu tháng 8, lượng thép tiêu thụ đạt trên 400.000 tấn thì ngay trong tháng 10 lượng tiêu thụ thép chỉ đạt mức 286.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng 9 và giảm trên 100.000 tấn so với tháng 8. Tính đến cuối tháng 10, lượng tồn kho tại các DN sản xuất thép trong nước vào khoảng trên 200.000 tấn thép thành phẩm. GĐ một DN cho biết, điều bất thường là những tháng đầu năm lượng tiêu thụ thép của DN lại tốt hơn so với cuối năm, lượng tiêu thụ giảm 30% so với kỳ vọng.

Thời điểm hiện tại, thép có nguồn gốc từ ASEAN rẻ hơn thép trong nước khoảng 500.000-700.000 đồng/tấn. Chính vì thế, người tiêu dùng cũng chờ đợi giá thép tiếp tục giảm. Chính vì thế thị trường rất ảm đạm mặc dù đã bước vào mùa xây dựng.

Theo thống kê của Hiệp hội thép VN, trong tháng 10, lượng thép tiêu thụ đạt 286.966 nghìn tấn, giảm nhẹ so với tháng 9 và giảm trung bình gần 100.000 tấn/tháng so với các tháng trước đó. Ông Nguyễn Tiến Nghi-Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết: “Mức tiêu thụ tháng 10 đạt được như vậy là nhờ các DN giảm giá rồi. Nếu không giảm giá, tiêu thụ có thể còn thấp nữa”.

Theo ông Nghi, nguyên nhân là do từ đầu tháng 9, giá phôi thép trên thế giới giảm 50-60 USD/tấn, giá thép phế giảm khiến giá thép thành phẩm giảm. Đồng thời, thị trường thép các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc bắt đầu có hiện tượng cung vượt cầu. Các nước có chính sách khuyến khích XK, một lượng lớn thép từ khu vực ASEAN với lợi thế được hưởng thuế NK 0% (đối với thép sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa 40% và công nghệ 2 bước) đã tràn vào VN. Tính đến ngày 15/10, lượng thép NK vào VN ước đạt 35.000 tấn, trong đó chủ yếu là thép cuộn, và thép ASEAN chiếm hơn 60% tổng lượng thép NK. Những tác động từ thị trường thép thế giới lập tức khiến giá thép nội địa giảm. Người tiêu dùng trong nước thấy vậy lại “nghe ngóng”, chờ giá hạ thêm nên các DN buộc phải giảm giá để tránh ứ đọng.

DN loay hoay tìm lối ra

Theo thống kê, tính chung 10 tháng đầu năm nay, lượng thép xây dựng còn tồn kho tại các DN thuộc Hiệp hội thép là hơn 291.000 tấn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, lượng thừa này khá cao, và tổng lượng thép các loại thừa trong năm nay có thể lên tới khoảng 2 triệu tấn.

Không những gặp khó khăn tại thị trường trong nước, các DN thép còn gặp khó khi tìm đường XK. Hiện nay, các DN thép đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với thép ngoại nhập giá rẻ. Nếu như thép NK từ Trung Quốc chịu thuế suất 15% thì thép có nguồn gốc ASEAN chỉ chịu thuế 0%. VN cũng được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng do sức cạnh tranh của DN ngành thép chưa cao nên không những không XK được, mà còn chịu sức ép giảm giá ngay trên sân nhà. Với chính sách hỗ trợ XK mà các nước ASEAN có xu hướng áp dụng, thép ngoại rất có thể tràn vào VN mạnh mẽ hơn nếu DN trong nước không có đối sách phù hợp. Trước nguy cơ này, Bộ Công Thương đã phải đưa ra khuyến cáo các DN sản xuất thép cần rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, cần cải tiến công nghệ sản xuất các loại thép hình và ống đúc, chịu áp lực lớn phục vụ cho các công trình xây dựng, thay vì chỉ tập trung cán thép cây, thép cuộn như hiện nay.

Tuy nhiên, cái khó của DN thép VN trong việc giảm giá lại liên quan đến vấn đề quy hoạch. Rất nhiều dự án thép đang được triển khai cũng tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến thừa. Trong đó, điển hình nhất là những nhà máy thép công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, nằm xa các cảng biển. Chính vì thế, chắc chắn trong thời gian tới nghịch lý thừa thép giữa mùa xây dựng sẽ còn tiếp tục  diễn ra.

(DĐ DN)

DĐDN đã từng có bài viết cảnh bảo việc “bội thực” các nhà máy thép có nguy cơ khiến thị trường lâm vào khủng hoảng thừa thép. Và hiện tại mặc dù mùa xây dựng đã bắt đầu, các DN cũng đã thực hiện đủ các chiêu giảm giá, khuyến mãi... nhưng thị trường thép vẫn khá trầm lắng...

ĐỌC THÊM