Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép Việt: Những khó khăn cần tháo gỡ

- Theo Hiệp hội DN trẻ Hà Nội: Từ đầu năm 2008 đến nay, tổng số thép nhập khẩu các loại đạt khoảng 7 triệu tấn, cộng với khoảng 2 triệu tấn tồn kho từ năm 2007 chuyển sang là 9 triệu tấn.
 
Gần 3 triệu tấn thép tồn kho là con số mà Hiệp hội DN trẻ Hà Nội đã công bố trong cuộc hội thảo “Ngành thép Việt Nam - Những khó khăn cần tháo gỡ” diễn ra tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội DN trẻ Hà Nội: Từ đầu năm 2008 đến nay, tổng số thép nhập khẩu các loại đạt khoảng 7 triệu tấn, cộng với khoảng 2 triệu tấn tồn kho từ năm 2007 chuyển sang là 9 triệu tấn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay mới xuất khẩu được khoảng 2 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 4 triệu tấn, còn tồn 3 triệu tấn.
Ông Trần Anh Vương - Giám đốc Công ty Cổ phần thép Bắc Việt cho rằng: Với giá thép tồn kho trung bình mua vào là 700 USD/tấn thì với 3 triệu tấn thép tồn hiện nay các DN thép có 2,1 tỷ USD, tương đương 35.700 tỷ đồng vốn “bất động”.
Vì thế, thiếu vốn để hoạt động là tình trạng chung của tất cả các DN thép đang gặp phải từ nhiều tháng qua. Đặc biệt, trong tình trạng thắt chặt tín dụng và những khó khăn trong vay vốn của các DN Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều DN thép đã phải giảm công suất hoặc chấp nhận vay lãi cao để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số ý kiến của DN còn cho rằng: Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sang đến năm 2009, ½ số DN thép của Việt Nam sẽ không còn tồn tại hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Vậy làm thế nào để ngành thép vượt qua giai đoạn khó khăn này là câu hỏi được nhiều lãnh đạo DN đặt ra? Bên cạnh kêu gọi sự giúp đỡ từ Chính phủ và sự thông cảm hỗ trợ của hệ thống các ngân hàng thì các ý kiến cũng cho rằng việc ngành thép phát huy nội lực và bình tĩnh vượt qua khó khăn là tương đối cần thiết.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam: Đây là khó khăn chung của hầu hết các DN Việt Nam chứ không phải của riêng ngành thép. Vậy mà trong khi ngành thép Việt Nam đang “kêu trời” thì các tập đoàn thép nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, chứng tỏ khả năng phát triển của ngành thép là rất lớn.
Qua đây để thấy rằng, các DN Việt Nam có tầm nhìn đến đâu và họ ứng phó như thế nào trước những cơ hội và thách thức đang đặt ra?
Ông Thiên phân tích thêm: Xét về mặt vĩ mô nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tốt, điều này được thể hiện rất rõ thông qua chỉ số tiêu dùng, lạm phát của tháng 10, hệ thống ngân hàng cũng đang tạo thuận lợi cho DN bằng việc hạ lãi suất cho vay, vì thế các DN thép nên bình tĩnh và tôi luyện bản lĩnh để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông Đỗ Duy Chính - GĐ Công ty Thép Thanh Bình cho rằng: Mặc dù khó khăn là tình trạng chung của các DN hiện nay, nhưng thép là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, và trong tương lai còn nhiều tiềm năng phát triển vì thế đây là lúc đòi hỏi sự sáng suốt của lãnh đạo các DN ngành thép.
Ông kêu gọi, các DN thép cũng nên có thời gian và ngồi lại để “tự khám bệnh” cho mình, nếu DN nào không tự khám được thì nhờ các chuyên gia đến khám, từ đó tìm ra những nguyên nhân và giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, nên đánh giá lại năng lực tài chính của DN mình để có một kế hoạch thu - chi hợp lý, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Ông Lê Văn Vang - Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Nam Vang: Thua lỗ trong hoạt động kinh doanh là điều hết sức bình thường, các DN thép Việt Nam cũng nên ý thức được điều này và chấp nhận thảm họa, đừng vì những khó khăn mà ảnh hưởng đến tâm lý của toàn ngành. Ông kêu gọi cộng đồng thép hãy nhìn về một phía và cùng nhau vượt qua khó khăn.
 
(Kinh Tế và Đô Thị)

ĐỌC THÊM