Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép Trung Quốc đứng trước nhiều mối lo lớn

Do giá thép trong nước thấp, những nhà sản xuất và các công ty kinh doanh thép Trung Quốc đang trên đà đạt hoặc vượt qua mức xuất khẩu của năm ngoái.

Sản phẩm thép cuộn được xếp tại cảng ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Sản phẩm thép cuộn được xếp tại cảng ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đề xuất tăng gấp ba lần mức thuế áp đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này có thể chỉ là một mối lo không đáng kể đối với ngành công nghiệp thép của Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, chẳng hạn như nhu cầu nội địa giảm và nguy cơ các nước khác phản ứng tương tự trước làn sóng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc.

Nhu cầu nội địa giảm

Mức tiêu thụ thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, do cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản kéo dài vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tăng trưởng nhu cầu về cơ sở hạ tầng đang chậm lại sau khi 12 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc phải tạm dừng một số dự án nhất định do vấn đề nợ nần.

Theo Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Ngành Luyện kim Trung Quốc (MPI), nhu cầu thép của nước này dự kiến giảm 1,7% trong năm 2024, sau mức giảm 3,3% vào năm 2023. Xuất khẩu thép của Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng nhưng thị trường Mỹ không phải trọng điểm.

Mặc dù xuất khẩu thép của Trung Quốc vào năm 2023 tăng hơn 30%, lên mức cao nhất kể từ năm 2016, đạt 90,26 triệu tấn, chiếm khoảng 9% tổng sản lượng thép thô của nước này, nhưng chỉ có 598.000 tấn thép được xuất khẩu sang Mỹ. Con số này giảm 8,2% so với mức tương ứng của năm 2022 và chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu thép trị giá 85 tỷ USD của Trung Quốc trong năm 2023.

Trung Quốc, nhà sản xuất và xuất khẩu thép hàng đầu thế giới, nhưng chỉ là quốc gia cung cấp thép lớn thứ 7 cho Mỹ. Điều này làm giảm nhẹ tác động của đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 25% của Tổng thống Biden đối với một số sản phẩm thép và nhôm mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp đặt.

Các nhà phân tích tại một công ty thương mại thép Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi không nghĩ sẽ có tác động lớn nào từ động thái mới nhất của Mỹ, vì các điểm đến chính cho xuất khẩu thép của Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông".

Thép giá rẻ của Trung Quốc gây quan ngại trên toàn cầu

Do giá thép trong nước thấp, những nhà sản xuất và các công ty kinh doanh thép Trung Quốc đang trên đà đạt hoặc vượt qua mức xuất khẩu của năm ngoái. Theo Lange Steel, một công ty cung cấp thông tin thị trường nội địa, xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể đạt trên 100 triệu tấn trong năm 2024 sau khi lượng xuất khẩu tháng 3/2024 vượt mong đợi.

Các sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc cũng đang khiến các nước ngoài Mỹ phàn nàn. Cuối năm ngoái, Ấn Độ đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Mexico (Mê-hi-cô) áp thuế gần 80% đối với mặt hàng này. Thái Lan đã mở cuộc điều tra đối với thép cán Trung Quốc và các nhà sản xuất thép Brazil (Bra-xin) đang hối thúc chính phủ nước này áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc.

Báo cáo từ một cơ quan nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cho biết trong năm 2023, đã có tổng cộng 112 tuyên bố từ các quốc gia trên thế giới liên quan đến các động thái chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép Trung Quốc, tăng khoảng 20 trường hợp so với năm 2022.

Ông David Cachot, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: "Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều căng thẳng thương mại liên quan tới ngành thép trong năm nay".

Triển vọng tiêu thụ ảm đạm

Kế hoạch hỗ trợ mới nhất của Chính phủ Trung Quốc cho ngành thép, chẳng hạn như nâng cấp thiết bị trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đẩy nhanh việc thay thế ô tô và đồ gia dụng của người tiêu dùng, khó có thể bù đắp hoàn toàn cho nhu cầu thép giảm từ cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản.

Công ty tư vấn và phân tích thị trường CRU Group, có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), dự báo chính sách này sẽ giúp nhu cầu thép nội địa Trung Quốc tăng thêm 8-9 triệu tấn trong bốn năm tới. Tuy nhiên, Viện luyện kim Trung Quốc dự kiến nhu cầu xây dựng sẽ giảm 20 triệu tấn, tương đương 4%, trong năm nay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép cho các dự án hạ tầng trong năm nay chỉ tăng từ 1-2%, giảm mạnh so với dự báo trước đó là 7-8%. Nguyên nhân là do yêu cầu của chính quyền trung ương về việc trì hoãn hoặc dừng một số dự án hạ tầng được tài trợ bởi nhà nước tại hàng chục địa phương, khiến các khu vực khác cũng có động thái tương tự.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp đặt hạn ngạch sản xuất thép để giảm nguồn cung và kiềm chế khí thải carbon. Các nhà quan sát và chuyên gia trong ngành cho rằng nước này cần phải cắt giảm sản lượng hơn nữa để hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung quá mức.

Tại một sự kiện ngành ở miền Nam Trung Quốc trong tuần này, ông Luo Tiejun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA), cho biết: "Ngành thép đang phải đối mặt với một mâu thuẫn rõ ràng - năng lực cung cấp mạnh và nhu cầu giảm. Cách giải quyết mấu chốt là các nhà sản xuất hàng đầu phải chủ động giảm tốc độ sản xuất dựa trên nhu cầu".

Xuất khẩu có thể "cứu nguy"?

Tháng 3/2024, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng lên 9,89 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2016, nâng tổng lượng thép xuất khẩu của nước này trong quý I/2024 lên 25,8 triệu tấn, ngay cả khi tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm mạnh.

Theo số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc và công ty tư vấn Mysteel, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong quý I đạt giá trị 20,3 tỷ USD, trung bình 789 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá thép nội địa trung bình 4.145 nhân dân tệ (572,30 USD)/tấn.

Đồng NDT suy yếu so với đồng USD trong thời gian dài, một phần do việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất, cũng được dự báo sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu thép của Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn không chỉ đến từ các tranh chấp thương mại mà còn do nguồn cung ở nước ngoài ngày càng tăng và khả năng Chính phủ Trung Quốc áp đặt hạn chế sản lượng.

Ông Kevin Bai, nhà phân tích tại CRU Group, cho biết: "Mặc dù một số quốc gia đang xây dựng năng lực riêng để đáp ứng nhu cầu thép gia tăng trong nước, nhưng điều này không thể đáp ứng đủ nhanh, nghĩa là vẫn còn chỗ cho thép từ Trung Quốc".

Trong khi đó, ông Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại công ty nghiên cứu ANZ Research, cho biết: “Tôi chắc chắn xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ mạnh hơn so với năm ngoái và đó là xu hướng mà chúng tôi đã thấy trong vài năm qua”. Thép là một thước đo quan trọng cho thấy sự tăng trưởng trong nền kinh tế thâm dụng đầu tư của Trung Quốc, nền kinh tế mà nhiều người lo ngại sẽ chuyển sang tình trạng dư cung trong các lĩnh vực từ ô tô đến tấm pin Mặt Trời do tiêu dùng nội địa phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc sản xuất khoảng 55% lượng thép của thế giới. Do đó, ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể dẫn đến áp lực giảm giá trên thị trường thế giới.

Hiệp hội Thép Thế giới trước đó cho biết nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong năm 2025. Hiệp hội này dự kiến Ấn Độ sẽ đóng vai trò chính trong tăng trưởng nhu cầu khi nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục giảm.

Sau hai năm sụt giảm và biến động thị trường nghiêm trọng sau đại dịch, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng ổn định trong năm 2024 và 2025.

Nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng khoảng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn.

Theo Hiệp hội, việc sử dụng thép tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu thế giới, đã giảm 3,3% trong năm 2023 và dự kiến sẽ ổn định trong năm 2024 trong bối cảnh đầu tư vào bất động sản giảm được bù đắp nhờ mức tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Hiệp hội này dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1% vào năm 2025, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh trong năm 2020.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021, Ấn Độ đã nổi lên như là động lực mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng nhu cầu thép. Theo Hiệp hội, nhu cầu thép của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2024 và 2025.

Nhu cầu thép tại châu Âu, nơi đang đối mặt với lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2024, trước khi dự kiến tăng 5,3% vào năm 2025. Còn hoạt động đầu tư mạnh mẽ sẽ đưa nhu cầu của Mỹ trở lại mức tăng trưởng trong năm nay sau sự sụt giảm do thị trường nhà ở chậm lại trong năm 2023.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM