Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép triển khai nhiều dự án phát triển sạch

Thái Nguyên vẫn được coi là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim, nhưng nhìn chung ngành thép Thái Nguyên vẫn ở tình trạng sản xuất thiếu bền vững, chi phí sản xuất tương đối lớn, mức tiêu hao năng lượng cao, hiệu quả sản xuất còn thấp.

Do đó, giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là việc làm rất cần thiết.

Nhận thức được hạn chế của mình, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép đều mong muốn thay đổi công nghệ, hướng tới công nghệ sạch của thế giới. Để hỗ trợ phần nào trong việc ứng dụng sản xuất thép trong sản xuất sạch hơn, Bộ Công Thương đã thông qua dự án sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp CPI do Đan Mạch tài trợ và xây dựng hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho ngành thép. Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên và Hiệp hội Thép Việt Nam triển khai một số dự án sản xuất sạch hơn cho một số doanh nghiệp sản xuất gang thép trên địa bàn tỉnh.

Với đặc thù là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với việc triển khai dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhằm nâng cao năng lực sản xuất lên 750.000 tấn phối thép/năm, công ty đang chủ động tiếp cận với sản xuất sạch hơn. Ngay từ khi nắm bắt chủ trương, công ty đã khẩn trương lập kế hoạch và triển khai sâu rộng chủ trương tới từng đơn vị thành viên và cùng tích cực bắt tay vào công việc. Ngay ở giai đoạn một, qua việc tư vấn từ học phần CPI… các công ty, nhà máy đã triển khai ngay giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên và kết quả bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.

Nhà máy luyện gang Thái Nguyên là đơn vị đánh dấu mốc son quan trọng trong ngành luyện kim Việt Nam. Mặc dù cũng đã qua nhiều lần cải tạo nâng cấp, đổi mới về dây chuyền sản xuất với các thiết bị hiện đại, tuy nhiên đến thời điểm này, những dây chuyền sản xuất của nhà máy cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ bằng một việc đơn giản thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compac đã giúp tiết kiệm được một phần đáng kể lượng điện mỗi ngày. Cùng với đó, nhà máy còn điều chỉnh lắp đặt nhiều hệ thống quan trọng khác như đường ống và các thiết bị phụ trợ để đốt nồi hơi bằng khí than lò cao đã tiết kiệm được khí than ở lò luyện cốc, dùng quặng thiêu kết trợ dung để giảm trợ dung sống trong khối liệu lò cao đã giảm 60% lượng đá vôi trong khối liệu lò cao, đồng thời tiết kiệm một lượng than cốc đáng kể. Hiện tại nhà máy đang rất cần học phần CPI hỗ trợ việc mở rộng cho trung hòa thiêu kết vì thành phần hóa học chưa được trung hòa triệt để nên chất lượng quặng thiêu kết không ổn định, khí lò cao hiện đang dư thừa và lắp máy biến tần cho quạt gió. Anh Trần Cao Thắng, trưởng ca thiêu kết Nhà máy luyện gang Thái Nguyên cho biết, nhà máy luôn vận hành chế độ lọc bụi soáy, dập khử bụi để chống khí phát thải ngay từ khâu đầu để chống nhiễm bệnh nghề nghiệp cho công nhân và tiết kiệm được nguyên nhiên liệu đầu vào… Từ khi tham gia học phần sản xuất sạch hơn của Bộ Công Thương (tháng 10/2008) đến nay, nhà máy đã thành lập đội sản xuất sạch hơn và làm việc với các chuyên gia tư vấn của Đan Mạch, nghiên cứu các giải pháp thực hiện các hợp phần này và thực hiện được một số giải pháp như: Giảm phát thải ngay từ đầu đường ống, tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sản lượng…

Bên cạnh đó, Nhà máy luyện thép Lưu Xá cũng đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể nhằm ổn định sản xuất, trong đó sản xuất sạch hơn là việc làm quan trọng, hướng tới với các giải pháp triệt để tiêu hao nguyên liệu, triệt để tiết kiệm vật tư trong sản xuất; giúp nhà máy chủ động cung ứng vật tư, thiết bị dự phòng, đảm bảo yêu cầu sản xuất liên tục. Mặc dù mới thực hiện hợp phần ở giai đoạn 1, nhà máy đã phát huy được tối đa công suất, đẩy mạnh khâu tiêu thụ, các chỉ tiêu kinh tế đều rất khả quan, công tác sáng kiến tiết kiệm được thực hiện nghiêm túc, giảm thiểu được khí thải môi trường, đặc biệt là các dòng thải phát sinh…

Mặc dù đây mới chỉ là hoạt động ban đầu của một số doanh nghiệp về sản xuất sạch, song các doanh nghiệp ngành thép Thái Nguyên luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ được kịp thời từ các chương trình sản xuất sạch hơn. Có như vậy, các sản phẩm của ngành thép mới tăng được sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp cho người lao động có được điều kiện lao động trong lành hơn, cũng như giảm chi phí cho vấn đề môi trường và tận dụng tài nguyên.

Nguồn: Baocongthuong

ĐỌC THÊM