Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam Trang Thu Hà cho biết, việc sản phẩm thép bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan đó là chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt FTAs song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.

Theo Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tiếp cận về phương pháp phòng vệ thương mại cũng như kết nối thông tin của các doanh nghiệp thép với các doanh nghiệp của nước sở tại cũng như các chính sách chưa đầy đủ dẫn đến các vụ việc xung đột về thương mại. Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép đã bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị phòng vệ thương mại.

“Mặc dù hiểu biết của Hiệp hội Thép, doanh nghiệp thép về phòng vệ thương mại đã được củng cố trong những năm qua tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm. Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh”, bà Hà nhận xét.

Sản phẩm thép của Việt Nam thường bị các nước khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Nguồn: ITN

Sản phẩm thép của Việt Nam thường bị các nước khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Nguồn: ITN

Bà Trang Thu Hà cũng nhận định, đối diện với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường quốc tế, bên cạnh những khó khăn, doanh nghiệp thép cũng có những lợi thế riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp đã dần chủ động khi đối diện với các sự việc như chuẩn bị sẵn nhân lực, cũng như hệ thống tài chính sổ sách kế toán, tiếp cận với các đối tác để tạo niềm tin và tích cực phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra của nước sở tại đề nghị. Ngoài ra, qua quá trình tham gia vụ việc, doanh nghiệp sẽ dần tiếp cận và chủ động tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận bạn hàng và mở rộng ra các thị trường mới.

Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích thêm, phòng vệ thương mại đối với các quốc gia khác được sử dụng rất nhuần nhuyễn, nhưng Việt Nam mới chính thức sử dụng được 6 năm. Doanh nghiệp được tiếp cận và xử lý vụ việc mới diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do vậy, cái thiếu nhất của các doanh nghiệp thép là vấn đề này còn khá là mới. Với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, có các phòng ban, nhân lực, tài chính để đầu tư vừa kéo nhiều thời gian vừa mất thời gian cho vụ việc không chỉ 3 đến 5 năm mà có thể kéo rất dài.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Chu Thắng Trung cho rằng, trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, phối hợp với hiệp hội cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Cục Phòng vệ thương mại để được cung cấp thông tin, cách thức xử lý. "Tôi tin tưởng rằng với các biện pháp trên, trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại thì cũng chưa chắc dẫn đến kết quả bất lợi", ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.

Nguồn tin: Doanh nhân & Pháp lý

ĐỌC THÊM