Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép lỗ nặng vì dự báo sai

- Suy thoái kinh tế toàn cầu, giá thế giới giảm mạnh, hàng nghìn các công trình xây dựng bị cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ, lãi suất ngân hàng cao là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn cho các DN nói chung. Nhưng với riêng ngành thép, sự lao đao thua lỗ nặng hiện nay còn do dự báo thị trường sai và công cụ điều chỉnh thuế đi chệnh thời điểm.
Giá rẻ nhưng vẫn không bán được
Cao hơn nhiều so với số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, mới đây, các thành viên kinh doanh thép của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã công bố, lượng tồn kho của phôi thép và thép thành phẩm hiện nay ước khoảng 3 triệu tấn.
Nếu tính theo giá bình quân là 700USD/tấn thì giá trị hàng tồn đọng này lên tới 2,1 tỷ USD, tương đương khoảng 35.700 tỷ đồng. Tổng giá trị này cũng gần bằng với khoảng 36.000 tỷ đồng tiền vốn đầu tư của 3.113 dự án đình hoãn khởi công, giãn tiến độ của các Bộ, ngành địa phương và các tập đoàn.
Ông Lê Văn Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Thép Thành Đô cho biết, hiện công ty này đang tồn tới gần 20.000 tấn thép. Nếu kế hoạch năm nay, công ty xuất khẩu 10.000 tấn thép, giá trị khoảng 160 tỷ đồng thì nay, với lượng hàng ấy, giá xuất khẩu chỉ còn có 80 tỷ đồng. Giá thép rẻ như bèo nhưng cũng chẳng có ai mua.
Trước đây, mỗi tháng, DN này tiêu thụ ít nhất 5.000 tấn thép thì nay, ì ạch chỉ tiêu thụ được 500 tấn thép. Sức mua đã giảm tới 90%. Theo ông Hồng, ở thời điểm này, những DN mới thành lập mà bị tồn tới 5.000-7.000 tấn thép sẽ không trụ vững được. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sức tiêu thụ của toàn ngành thép đã giảm tới 1/3 với mức trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thép.
Trên thị trường nội địa, nếu trước đây chỉ giảm mấy trăm ngàn đồng mỗi tấn thép thì vừa qua, giá thép đã có lúc giảm 2-3 triệu đồng/tấn. Công ty Vinakyoei có lúc bán 21-22 triệu đồng/tấn, nay giá còn 14-15 triệu đồng/tấn. Từ mức giá bình quân trước đây là 17-19 triệu đồng/tấn thép thì nay, đồng loạt giá thép đã hạ xuống còn 13,2-13,5 triệu đồng/tấn.

Lượng thép, phôi thép, thành phẩm còn tồn lại

Một hiện tượng mới nổi lên là có DN lưu thông đã phá giá thép, bán ra thị trường dưới giá thành. Tại phía Bắc, đã có công ty bán thép với giá 11 triệu đồng/tấn và bán phôi với giá 9,6 triệu tấn. Trong khi, giá thành sản xuất phôi vào khoảng 12 triệu đồng/tấn và giá thành sản xuất thép là 13,1-13,2 triệu đồng/tấn.
Các DN sản xuất phôi như Đình Vũ, Vạn Lợi ngừng nhà máy từ hơn 1 tháng rưỡi, Công ty Thép Hòa Phát, Việt - ý cũng phải giảm công suất. Với đà thua lỗ này, các DN cho biết, số lãi 6 tháng đầu năm chắc chắn không đủ bù lỗ cho 6 tháng cuối năm.
Thua lỗ vì dự báo sai
Giá phôi thép trên thế giới hiện đã giảm trên 55%, từ trên 1.150 USD/tấn vào đầu tháng 7 xuống đến nay chỉ còn khoảng 515-520 USD/tấn. Trong khi đó, giá thành cho mỗi một tấn thép tồn trong nước ước khoảng 850-860USD/tấn.
Thế nhưng, giá giảm chỉ là một yếu tố. Rất nhiều DN thép hiện nay đang bức xúc vì chịu hậu quả của việc dự báo, phân tích thị trường sai của các cơ quan quản lý. Thời điểm tháng 4, 5, 6, giá phôi thế giới tăng vọt lên mức 1.100-1.200USD/tấn, chênh từ 200-300USD/tấn so với giá phôi nhập từ trước.
Cùng với đó, kế hoạch cắt giảm, đình hoãn các dự án công trình của Chính phủ bắt đầu được triển khai. Cầu trong nước giảm, nhiều DN đã xuất ngược phôi. Chỉ trong 2 tháng, lượng phôi xuất ngược đã lên tới 38 vạn tấn. Lúc bấy giờ, chính Hiệp hội Thép Việt Nam và Bộ Công Thương đã lo ngại, với lượng dự trữ phôi khoảng 540.000 tấn, e rằng, trong 2 tháng tới, cả nước sẽ thiếu phôi thép trầm trọng.
Cảnh báo này là rất quan trọng bởi ngành thép Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu tới 60% phôi. Đó là lý do khiến Bộ Tài chính đã tăng thuế xuất khẩu phôi 2 lần từ 2% lên 20%. Bộ Công Thương đã quyết định hạn chế xuất ngược phôi thép bằng quy chế xuất khẩu tự động. Sau đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam còn kiến nghị, thuế xuất khẩu thép phải tăng tiếp lên 30% mới hiệu quả.
Cũng đúng lúc này, giá phôi thế giới bắt đầu suy giảm. Diễn biến thị trường thép thế giới đã đổi chiều bất ngờ, rơi tự do với biên độ lớn chưa từng thấy, mỗi tháng hạ 100-200USD/tấn. Doanh nghiệp thép ở thế “bị chặn 2 đầu”, cả bán trong nước lẫn xuất khẩu đều lỗ.
Trong bối cảnh này, nếu thuế xuất khẩu phôi hạ tiếp xuống 0%, các DN cũng vẫn bị lỗ ít nhất 200USD/tấn. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng phải thừa nhận, chính vì thiếu thông tin nên đã dẫn đến việc ban hành chính sách vội vã.
Theo các DN thép, kinh nghiệm bài học này là việc điều hành xuất nhập khẩu phải uyển chuyển. Ông Trần Anh Vương - Giám đốc Công ty Thép Bắc Việt cho biết, tới đây, các DN thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tràn vào ồ ạt với quy mô lớn của thép Trung Quốc.
Quốc gia này sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới đang có kế hoạch sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thép bằng chính sách hoàn thuế VAT. Do đó, nếu kiến nghị tăng thuế nhập khẩu lên 20% của ngành thép lại tiếp tục được chậm điều chỉnh thì sức ép mất khả năng cạnh tranh, ngày càng thua lỗ của các DN trong nước sẽ còn lớn hơn nữa.
(ANTĐ)

ĐỌC THÊM