Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép - khó chồng khó

Trong tháng 12, các DN ngành thép buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do nguyên vật liệu tăng. Điều này khiến cho đầu ra của sản phẩm thép vốn đã chậm nay lại càng thêm khó khăn.

Đầu ra chậm

Ngay trong những tuần đầu tiên của tháng 12, hàng loạt thương hiệu thép như: Việt Ý, Việt Đức, VAS... đều điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thép, với mức tăng dao động từ 200 - 310 đồng/kg. Mới đây, thép VAS điều chỉnh tăng giá với 2 sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 tăng 310 đồng/kg, lên mức 14.620 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, có giá 14.820 đồng/kg. Hay thép Tung Ho, với thép cuộn CB240 tăng 300 đồng/kg, lên mức 14.510 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 310 đồng/kg, có giá 14.770 đồng/kg.

Lý giải về điều chỉnh này, đại diện Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức cho biết, mặc dù DN đã rất nỗ lực nhằm ổn định giá bán trên thị trường, tuy nhiên giá phôi thép và nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Vì vậy, để đảm bảo giá sản phẩm phù hợp với chi phí đầu vào, DN đã phải điều chỉnh tăng với các chủng loại thép cây của nhà máy.

Như vậy, sau năm 2021 nhiều thuận lợi, từ quý II và III/2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá thép giảm, cộng thêm tác động từ tăng lãi suất, chênh lệch tỷ giá… khiến kết quả kinh doanh của phần lớn các DN sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Đơn cử, báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, tháng 11/2022, DN sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm mạnh 43% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng các sản phẩm thép cũng chỉ đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Hòa Phát cho biết, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ của Hòa Phát giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm.

Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước.

Còn về phía các đại lý, mặc dù đang mùa xây dựng cuối năm nhưng tình trạng ế ẩm vẫn đang kéo dài, sức mua thấp do các dự án xây dựng, bất động sản đều chững lại, khó triển khai. Anh Nguyễn Thanh, chủ một đại lý phân phối ở đường La Thành (quận Đống Đa) cho biết, trước giá thép thấp đã khó bán, giờ đây tiếp tục tăng giá, người dân chỉ hỏi chứ không mua. "Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án. Nhưng giờ đây vẫn đóng băng khi thị trường gặp khó về vốn, thanh khoản, tín dụng... khiến kho của tôi chật cứng các loại thép" - anh Thanh nói.

Chưa thể phục hồi sớm

Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành thép ít có cơ hội phục hồi trong năm 2023 do tiêu thụ vẫn còn yếu và áp lực tỷ giá cũng như lãi suất lên chi phí tài chính. Năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt với thép xây dựng. Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trong năm 2023 nên khó hỗ trợ cho nhu cầu thép nội địa tăng trở lại.

Về vấn đề này, chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc ngân hàng nới room tín dụng mới đây có thể hiểu là giải pháp cứu cánh cho toàn ngành vật liệu xây dựng nói chung, ngành thép nói riêng. Tuy nhiên, các DN yếu kém sẽ rất khó được vay vốn tín dụng.

Đồng quan điểm, TS Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nới 1,5 - 2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5 - 16%. Mặc dù, nhu cầu vốn đang rất lớn nhưng tổ chức tín dụng cũng là DN, phải cho vay trên các điều kiện, điều khoản cụ thể, không thể hạ chuẩn cho vay cả những DN đang lỗ khi tiền huy động là người dân. "Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm DN tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng" - ông Phạm Chí Quang cho biết.

Chắc chắn Nhà nước sẽ không bao giờ từ chối hỗ trợ để DN trong ngành vật liệu xây dựng tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng hỗ trợ đến đâu, như thế nào lại là vấn đề cần xem xét thấu đáo, bởi nguồn lực là hữu hạn.

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM