Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

 Quý 3/2021, phần lớn doanh nghiệp thép nhỏ báo cáo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí báo lỗ nặng. Ở một diễn biến khác, các 'ông lớn' ngành thép lại làm ăn khấm khá hơn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu.

Quý 3/2021, phần lớn doanh nghiệp thép nhỏ vốn phụ thuộc vào thị trường nội địa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 lần lượt ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đảm, thậm chí là thua lỗ nặng.

Ngược lại, các doanh nghiệp thép đầu ngành vẫn sống khỏe, ghi nhận lãi kỷ lục nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng được cơ hội giá thép thế giới tăng cao.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

Loạt doanh nghiệp thép thua lỗ đậm trong quý 3/2021

Mới đây, CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh đã khiến lợi nhuận ròng giảm 78% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng.

Trong quý 3, doanh thu thuần hợp nhất của POM vẫn tăng 39% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.104 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ xây dựng hầu như dừng hẳn, POM buộc phải hạ giá bán. Cộng với chi phí “3 tại chỗ” làm tăng giá vốn, lãi gộp của Công ty giảm 15%, còn gần 120 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 6,3% xuống còn 3,8%.

Doanh thu tài chính tăng 3,5 lần, trong khi chi phí tài chính giảm giúp cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy vậy, kỳ này, POM ghi nhận khoản lỗ 1,7 tỷ đồng từ lĩnh vực khác, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 4,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, Công ty ghi nhận khoản bồi thường bảo hiểm 30 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 3 tuy bị kéo lùi mạnh nhưng nhờ kết quả đột biến trong nửa đầu năm, lợi nhuận ròng 9 tháng của POM đạt hơn 205 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty lỗ gần 128 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi sau thuế 600 tỷ đồng trong năm 2021, POM chỉ mới thực hiện được hơn 34% mục tiêu đề ra.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

Trước POM, một số doanh nghiệp thép khác cũng ngậm ngùi báo lãi giảm, thậm chí là thua lỗ trong quý 3/2021.

Cụ thể, CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (mã: VCA) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 578 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ. Do giá vốn giảm chậm hơn (giảm 3%), lãi gộp thu hẹp 30%. Chi phí tài chính tăng 103%, lên hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay tăng vọt 97%, bù lại chi phí bán hàng được tiết giảm 64%.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước và sau thuế tại VCA giảm lần lượt 47% và 48%, xuống còn gần 2,5 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, dù lợi nhuận sụt giảm trong quý 3 nhưng nhờ kết quả khả quan 2 quý đầu năm nên tính chung 9 tháng qua, VCA vẫn ghi nhận 1.909 tỷ đồng doanh thu thuần và 42 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 21% và 154% so với cùng kỳ.

Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ảm đạm hơn so với các quý trước trong bối cảnh dịch Covid-19 kìm hãm thị trường thép nội địa từ tháng 6/2021.

Cụ thể, quý 3/2021, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần 9.090 tỷ đồng và lãi ròng hơn 40 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22% và 365%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh về lợi nhuận chủ yếu đến từ việc so với mức nền cực thấp của quý 3/2020. Đặt lên bàn cân so sánh, mức lãi 40 tỷ đồng của quý 3 chỉ bằng 8% lãi ròng quý 2/2021 và 11% của quý 1/2021.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

Có phần ‘đen tối’ hơn là trường hợp của CTCP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (UPCoM: TDS) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 gần 402 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ.

Do sản lượng tiêu thụ thép giảm tới 58,6% khi ngành thép bước vào giai đoạn thấp điểm và dịch Covid-19 cũng góp phần bóp nghẹt nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, do sản xuất 3 tại chỗ, Công ty phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh và làm tăng giá thành sản xuất sản phẩm. Điều này khiến lãi gộp của Công ty giảm mạnh 66% so với cùng kỳ, về mức 4,8 tỷ đồng.

Tuy các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh, nhưng Thép Thủ vẫn báo lỗ ròng gần 644 triệu đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi ròng 2,2 tỷ đồng. Nếu xét trong 9 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức vẫn ghi nhận lãi ròng tăng 148% so với cùng kỳ, ở mức 46 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ với Thép Thủ Đức, trong quý 3/2021, CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) dù ghi nhận doanh thu thuần tăng 20% lên 1.381 tỷ đồng, nhưng giá vốn lại tăng mạnh hơn. Do đó, doanh nghiệp ghi nhận lỗ gộp hơn 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 47 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính cũng diễn biến tiêu cực. Doanh thu tài chính giảm 42% trong khi chi phí tài chính lại tăng 26% lên 14,9 tỷ đồng, trong đó 90% là chi phí lãi vay.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao. Do đó, Thép Việt Ý báo lỗ ròng hơn 92 tỷ đồng trong quý 3, qua đó chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài từ quý 2/2020. Đây là mức lỗ nặng thứ 2 trong lịch sử hoạt động của hãng thép này.

Trái ngược với các doanh nghiệp thép khác, Thép Việt Ý “ngậm ngùi” báo lỗ ròng gần 19 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần tăng 56%.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

Ông lớn ngành thép vẫn lãi to

Đầu tiên, CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 7.531 tỷ đồng, tăng trưởng 123% so với cùng kỳ. Xuất khẩu chiếm 79% tổng doanh thu và là động lực chính mang lại kết quả tích cực cho hãng tôn mạ này, trong lúc thị trường tiêu thụ thép nội địa bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có giá bán cao như Mỹ và châu Âu giúp Thép Nam Kim ghi nhận biên lợi nhuận gộp 17,2% trong quý 3, cao hơn nhiều so với mức 7,2% của cùng kỳ. Kết quả, Thép Nam Kim báo lãi ròng 607 tỷ đồng trong quý 3, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nam Kim đạt 19.393 tỷ đồng và lãi ròng 1.773 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,4 lần và gấp 12,6 lần cùng kỳ.

Tương tự, quý 3 doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) đạt 910 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dù doanh thu chỉ tăng nhẹ nhưng lãi sau thuế lại gấp hơn 8 lần kết quả cùng kỳ, với gần 106 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu thuần gần 3.284 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 423 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và gấp hơn 424 lần kết quả 9 tháng đầu năm trước. Với lợi nhuận đạt được, Thép Tiến Lên đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2021 hơn 69%.

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ tài chính 2020-2021, tức quý 3/2021 (1/7/2021-30/9/2021) với doanh thu tăng 89%, lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tôn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 77% lên mức hơn 48.700 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Lợi nhuận sau thuế thu về gần 4.313 tỷ đồng, tăng trưởng 274% so với cùng kỳ.

HSG cho biết, nhờ phát huy tối đa lợi thế về logistics của hệ thống nhà máy, lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh - cửa hàng phân phối trải dài trên toàn quốc và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh trong NĐTC 2020-2021. Dù thị trường nội địa bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi đại dịch Covid-19 nhưng HSG vẫn duy trì được sản lượng bán hàng ổn định hàng tháng.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép đang phân hóa mạnh

Đáng chú ý nhất là Hòa Phát, quý 3/2021, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận doanh thu 38.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.350 tỷ đồng, tăng tương ứng 56% và 170% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, “vua thép” ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Hòa Phát đã vượt 45% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021.

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM