Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế VN không còn ‘cơn sốt’ nào đến 2010?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2010, nền kinh tế sẽ ổn định và không có bất kỳ “cơn sốt” nào về nhà đất, chứng khoán và hàng hoá, vì vậy nguy cơ tái lạm phát không lớn.

Trong khi đó, một số nhà bán lẻ và chuyên gia khác thì lo ngại có nguy cơ xảy ra lạm phát nếu không có các giải pháp linh hoạt và phù hợp tình hình thực tế.

Chỉ có thể lạm phát do... kích cầu?

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu Chính phủ tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai thì có thể dẫn đến lạm phát. Lý do là kinh tế Việt Nam và thế giới đang dần hồi phục. Điều này đồng nghĩa với việc giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng trở lại nên gia tăng áp lực lạm phát. Các dòng tiền từ xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên… cũng khiến nguy cơ lạm phát tăng.

Ông Ngô Văn Hải, Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cho biết, hiện nay Citimart đã nhận được thông báo đề nghị điều chỉnh giá của một số nhà cung cấp. “Lý do được đưa ra là giá xăng dầu thời gian qua tăng liên tục. Rất có thể từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một đợt tăng giá hàng hóa nữa”, ông  Hải dự báo.
 

Kinh tế VN được dự báo sẽ khá ổn định trong hai năm tới. Ảnh: Lê Hưng.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ kinh tế vĩ mô, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội động tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, lạc quan: “Từ nay đến hết năm, sẽ không có thêm bất cứ một cơn sốt nào nữa, kể cả chứng khoán và thị trường bất động sản”. Theo ông Lịch, sau những lần lỗ “chỏng gọng” trong chứng khoán, lực lượng đầu cơ chứng khoán sẽ không mạo hiểm thêm lần nữa vào thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” chưa thật sự hồi phục và đang loay hoay giải quyết món nợ cũ. Đó là chưa kể sức mua nhiều mặt hàng trên thị trường hiện nay không cao.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định, việc sản xuất hàng hóa đang gia tăng, song lượng hàng tồn kho còn khá lớn, mãi lực trên thị trường chưa tăng nhiều, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân thực tế giảm, lượng kiều hối giảm… “Nếu thắt chặt tín dụng, thị trường chứng khoán và bất động sản lại càng khó có thêm “cơn sốt” nào”, ông Doanh khẳng định.

Một số chuyên gia khác dự báo nguy cơ tái lạm phát là không lớn. Bởi giá cả đến tháng 7 chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ, còn so với bình quân hằng tháng từ đầu năm đến nay thì mức lạm phát đang giảm dần (từ 12% vào đầu năm xuống 9% trong tháng 7).

Lạm phát dưới hai con số

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009 - 2010, tiến sĩ Lịch cho rằng “đáy” khủng hoảng đã được thiết lập vào quý 1/2009. Từ quý 2 trở đi, tình hình kinh tế đã ổn định và sẽ ổn định đến hết năm 2009 và 2010”.

“Từ thực tế trên, dự báo năm nay kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5% và nếu giữ nguyên các chính sách tiền tệ như hiện nay, chỉ số lạm phát ở vào khoảng 7 - 8%, thấp hơn nhiều so với năm ngoái (21%)”, ông Lịch nói. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì dự đoán tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 4,9 - 5,2% và với chính sách hạn chế nguồn cung tín dụng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân không nhiều, kiều hối giảm…, lạm phát sẽ ở dưới hai con số, khoảng 8 - 9%”.

Để thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển, các chuyên gia đều thống nhất không nên siết quá chặt tín dụng mà quan trọng là phải tạo được “dòng đẩy” để tạo đà thúc đẩy phục hồi kinh tế căn cứ vào các “tín hiệu” của nền kinh tế để điều chỉnh  hợp lý và kịp thời. Ông Lịch khuyến cáo doanh nghiệp cần tranh thủ gói kích cầu trung và dài hạn của Chính phủ để đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực.

Theo tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM,, nhu cầu xây dựng khách sạn, cao ốc văn phòng, nhà ở dạng biệt thự, căn hộ, chung cư… gần đây có dấu hiệu ấm lên. Tuy nhiên, thị trường chỉ ấm chứ chưa đủ sức để tạo một cơn sốt mới như từng xảy ra vào năm 2007, 2008. Nếu có sốt, thì cũng chỉ sốt cục bộ ở một vài dự án có vị trí và điều kiện giao thông, hạ tầng tốt.

Đất Việt

ĐỌC THÊM