Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Các số liệu thống kê ban đầu cho thấy, với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II/2009 ước tính lên tới 4,5%, GDP trong 6 tháng đầu năm của cả nước có thể đạt 3,9%.

 

 
Chính phủ đã có chủ trương bù lãi suất để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo đà cho kinh tế tăng trưởng trở lại.
 
Con số này mặc dù thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 6,5% của cùng kỳ năm ngoái, 7,87% của cùng kỳ năm 2007 và 7,4% của 6 tháng đầu năm 2006, song đã tăng đáng kể so với mức 3,1% của quý I/2009.

Đặc biệt, việc GDP của quý II đạt 4,5% là một dấu hiệu cho thấy, thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế có thể đã qua đi. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, đây là một kết quả rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo kinh tế thế giới thậm chí sẽ suy giảm mạnh mẽ hơn trong năm nay, với phần lớn các nước trên thế giới sẽ có mức tăng trưởng âm.

Theo quan điểm của ông Phong, nếu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện khả thi để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh.

“Xây dựng cơ bản và thị trường nội địa sẽ là trụ cột để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”, ông Phong nói. Trên thực tế, các số liệu thống kê cũng cho thấy, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là hai khu vực kinh tế có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 3,48%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,5%, còn khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng 1,25%. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp đã tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng tới 7,4% trong quý II, sau khi chỉ tăng 2,1% trong quý I và đạt tốc độ tăng chung trong cả 6 tháng là 4,8%. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng, nhờ các biện pháp kích cầu đầu tư, đã hồi phục mạnh mẽ, với mức tăng 16% trong quý II, cao hơn 3 điểm phần trăm so với quý I.

Cùng với công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ cũng tiếp tục ghi dấu ấn tích cực trong tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm đạt 547.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2008, thị trường nội địa tiếp tục khẳng định vị thế “điểm tựa” cho sản xuất của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, mạng lưới dịch vụ bưu chính - viễn thông vẫn đang xu hướng phát triển tốt, góp phần đẩy mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm lên 5,5%.

Sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn. Nền kinh tế có thể đã thoát đáy. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn.

Theo phân tích của ông Ân, không chỉ sản xuất công nghiệp vẫn sẽ gặp những khó khăn không nhỏ trong thời gian tới, mà xuất khẩu thực sự rất đáng lo. Việc kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 27,6 tỷ đồng, giảm tới 10,1% so với cùng kỳ năm trước, khiến ông Ân băn khoăn về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay.

“Điều đáng lo là trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khá nhiều mặt hàng chủ lực thuộc “câu lạc bộ 1 tỷ USD” của Việt Nam đều giảm 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chất lượng xuất khẩu cũng là điều đáng báo động, bởi số lượng xuất khẩu gia tăng, nhưng giá cả lại sụt giảm”, ông Ân nói và cho rằng, phải rất nỗ lực thì mới có thể hoàn thành mục tiêu mà Quốc hội vừa điều chỉnh.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới và sự năng động của các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, cũng như trong thương lượng với các nhà nhập khẩu truyền thống về các đơn hàng mới và giá cả hàng hóa xuất khẩu.

“Thị trường thế giới đã bắt đầu có xu hướng mở rộng hơn, nhưng xuất khẩu vẫn còn rất nhiều khó khăn”, ông Phong nhận định.

Liên quan đến khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia vừa đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Theo kịch bản thứ nhất, nền kinh tế có khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 4,5% và chỉ số giá tiêu dùng là 7,51%. Kịch bản thứ hai lạc quan hơn, với tốc độ tăng trưởng GDP trên 5%, nhưng đổi lại, sẽ phải chấp nhận lạm phát ở mức cao hơn - khoảng trên 9%.

“Kịch bản lạc quan này có thể đạt được nếu như một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chặn được đà suy thoái trong quý IV/2009 và các gói kích cầu của Chính phủ được sử dụng hiệu quả”, ông Ân nói.

Dân trí

 

ĐỌC THÊM