Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, đối mặt rủi ro suy thoái

  Căng thẳng thương mại gia tăng, lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị xói mòn là những nhân tố làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nợ công "phình" to

Theo thông tin trên kênh CNBC, nợ công toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm. Ước tính, nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đã chạm con sốc 178.000 tỷ USD, tính đến tháng 6/2018, tăng 50% so với cách đây một thập kỷ.

S&P Global Ratings đưa ra con số nợ chính phủ là 62,4 nghìn tỷ USD, tăng 77%. Tổ chức này cho rằng, nợ chính phủ hiện nay cao hơn và mang nhiều rủi ro hơn so với cách đây 10 năm khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đều tăng nợ nần.


Nợ chính phủ đang gia tăng mạnh.

Chuyên gia phân tích tín dụng Terry Chan của S&P Global Ratings nhận định, có thể không tránh được sự suy giảm tín dụng, song cũng không quá tệ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai 2008-2009.

Mới đây, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố gói kích thích tăng trưởng mới cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đây là lần thứ ba ECB phải sử dụng biện pháp kinh tế này kể từ năm 2014, thời điểm Eurozone chìm trong khủng hoảng nợ công.

Cụ thể, ECB sẽ triển khai Chương trình tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (TLTRO) dành cho các ngân hàng trong khối. Đây thực tế là các khoản vay lãi suất thấp của ECB nhằm cho phép các ngân hàng trong khu vực dễ dàng cung cấp dịch vụ tín dụng hơn cho khách hàng, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm (9/2019 đến hết tháng 3/2021).

Bên cạnh các biện pháp bơm tiền cho nền kinh tế, ECB còn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách này ít nhất tới cuối năm nay nhằm thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế Eurozone.

Theo tờ Washington Post, động thái này của ECB cho thấy cơ quan này đã nhận thấy bóng đen đang bao phủ kinh tế toàn cầu, trong đó có sự giảm tốc của nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc, và sự ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU), cũng như tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Chia sẻ về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 khi nhiều tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ông sẽ vẫn duy trì mức lãi suất “cứng rắn” ở mức đáy cho đến tận cuối năm nay và sẽ bơm thêm tiền cho doanh nghiệp vay để cứu nền kinh tế.

Rủi ro suy thoái trong năm nay

Lo ngại về cuộc chiến thương mại giữ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) và bất ổn chính trị đang tác động tới nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% đưa ra hồi tháng 11/2018.

OECD đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước thành viên Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20). Tổ chức này cho biết bất ổn về chính sách cùng với căng thẳng thương mại đang diễn ra và lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị xói mòn là những nhân tố góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chứng kiến sự giảm tốc mạnh nhất trong năm 2018 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở thập kỷ trước.

Công cụ theo dõi mới GDP của Bloomberg cho thấy tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,1% trên cơ sở quy đổi năm theo quý. Mặc dù có khả năng nền kinh tế có thể sẽ tìm thấy một "điểm tựa" vững chắc và tình trạng giảm tốc sẽ không xảy ra, nhưng hai nhà kinh tế Dan Hanson và Tom Orlik cho biết rủi ro ở đây là nguyên nhân thúc đẩy sự xuống dốc sẽ tự nó duy trì.

Hai nhà kinh tế Hanson và Orlik cho rằng, đà tăng trưởng mạnh mẽ bao trùm nền kinh tế toàn cầu hồi giữa năm 2017 sẽ không thể kéo dài. Những dấu hiệu giảm tốc từ cuối năm ngoái đã khiến nhiều nhà kinh tế bất ngờ. Các chỉ số về nhu cầu tiêu dùng và việc làm ở Mỹ hay sản lượng công nghiệp giảm ở Đức là minh chứng cho thấy nền kinh tế đang dần mất đà.

Chủ nhân giải Nobel kinh tế Paul Krugman cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc và thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế vào năm nay.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo những ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh cũng như tâm lý của người tiêu dùng. Ông Paul Krugman cho biết đây là một yếu tố mang tính bước ngoặt kích động cuộc suy thoái kinh tế. Một số trở ngại khác có thể sẽ là nguyên nhân của tình trạng giảm tốc như chương trình kích thích cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoài ra, nhà kinh tế học Paul Krugman còn cảnh báo rằng những gì đang diễn ra bắt đầu giống như “bong bóng đang xì hơi” khi nói về sự phát triển của công nghệ./.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM