Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm hơn

 Nhiều tổ chức quốc tế như WB, S&P Ratings và ECB đều khá đồng nhất khi đưa ra dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1% nếu các rào cản thuế quan tiếp tục được thực hiện.

Trong một bài phát biểu gần đây tại một diễn đàn kinh tế tổ chức tại thành phố Berlin, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde đã cảnh báo về rủi ro đối với kinh tế toàn cầu khi mối lo ngại về chiến tranh thương mại giữa những quốc gia công nghiệp hàng đầu đang ngày một hiện hữu rõ ràng hơn. Vấn đề lo ngại này đã được IMF đưa ra cảnh báo từ 6 tháng trước và hiện nay nguy cơ đó đang càng trở nên cấp bách.


Nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng vì khủng hoảng thương mại

Tiếp nối những cảnh báo của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới nhất đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan cho không chỉ các thị trường mới nổi, mà cả các quốc gia phát triển cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như tình hình căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới trở nên xấu đi.

Báo cáo của WB cho biết, tăng cường áp đặt thuế quan trên phạm vi thế giới sẽ có những hậu quả bất lợi lớn cho thương mại toàn cầu. Việc thuế nhập khẩu bị đẩy lên mức tối đa có thể gây ra sự suy giảm trong dòng chảy thương mại toàn cầu, lên tới 9% theo kết quả tính toán. Đây là mức tương tự như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 - 2009.

Những phát biểu của IMF và WB đến ngay sau những tranh cãi gần đây xoay quanh vấn đề thương mại giữa Mỹ và các nước đồng minh. Sau khi đã ép được Hàn Quốc phải nhượng bộ trong vấn đề nhôm và thép, chính quyền Trump tiếp tục nhắm đến Trung Quốc, EU, Canada, Mexico...

Sau hơn 2 tháng đe dọa, nhà Trắng thẳng tay áp thuế nhôm và thép bán sang thị trường Mỹ. Theo đó, từ ngày 1/6/2018, thép và nhôm của một số nước đồng minh của Mỹ như châu Âu, Nhật Bản, Canada bán sang thị trường Mỹ bị đánh thuế lần lượt là 25% và 10%. Có thể mức thuế này chỉ gây thiệt hại nhỏ cho các nhà sản xuất, song đòn tấn công thương mại mà Mỹ nhắm vào các đồng minh truyền thống sẽ đem lại những hậu quả khó lường cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Cụ thể nhất, đáp lại những biện pháp cứng rắn từ Mỹ, EU, Canada và Mexico lập tức kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về phía Nhật Bản, phát biểu trước báo giới ngày 4/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết các biện pháp thuế quan của Chính phủ Mỹ, viện cớ an ninh, có nguy cơ sẽ gây rối loạn thị trường toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hợp tác kinh tế giữa 2 đồng minh Nhật-Mỹ và toàn hệ thống thương mại đa phương theo các quy định của WTO.

Về phía EU, Liên minh châu Âu đã tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ tháng 7 nhằm đáp trả việc Mỹ đánh thuế vào nhôm và thép nhập khẩu. Uỷ ban châu Âu ngày 6/6 đã nêu rõ, biểu thuế mới sẽ áp dụng đối với số hàng hóa Mỹ có tổng trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD). Đồng thời, Ủy ban châu Âu cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung đối với số hàng hóa trị giá 3,6 tỷ euro nếu WTO kết luận biện pháp đánh thuế của Mỹ vào nhôm, thép là trái phép.

Trong khi các tranh cãi về thương mại vẫn chưa đi đến hồi kết, ở một khía cạnh khác, các cuộc đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã thất bại trong việc đưa ra các thỏa thuận toàn diện. Điều đó khiến cho NAFTA và những lợi ích về giao thương giữa các nước thành viên – bao gồm Hoa Kỳ, Canada, và Mexico - bị đe dọa. Theo thống kê của WB, xu hướng tự do hóa thương mại đã bị chậm lại trong thời gian qua, với số lượng thỏa thuận thương mại mới được ký kết trong năm 2017 đạt mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua.

Trên thực tế, những lo ngại của IMF và WB đang dần hiện thực hóa trước những diễn biến kém tích cực của các nền kinh tế chủ chốt trong những tháng gần đây. Hầu hết các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc đều cho thấy đà tăng trưởng có phần chững lại, đặc biệt kinh tế Nhật Bản còn ghi nhận quý I ở mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuối năm 2015 trở lại đây.

Theo đánh giá của WB, các khu vực bị ảnh hưởng đáng kể khi chủ nghĩa bảo hộ tăng cường sẽ là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho biết. Các lĩnh vực như nông nghiệp và chế biến thực phẩm nằm trong số những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ngoài ra, sự manh nha của một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, cùng với những rủi ro, bất trắc xuất phát từ việc thay đổi chính sách kinh tế quan trọng ở các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính trên toàn thế giới. Trên thực tế, những rung lắc khá mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu cùng với biến động trên các thị trường trái phiếu và tiền tệ trong những tháng đầu năm đang minh chứng cho nhận định trên.

Với diễn biến như vậy, nhiều tổ chức quốc tế như WB, S&P Ratings và ECB đều khá đồng nhất khi đưa ra dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1% nếu các rào cản thuế quan tiếp tục được thực hiện. Trong khi đó, một số nhà phân tích thị trường đã dự đoán sự khởi đầu của một cuộc suy thoái khác tại Mỹ trong vòng hai năm tới với nợ công leo thang, lãi suất tăng.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM