Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 16-21/07/2018

 

KINH TẾTÀI CHÍNHTHẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2018 và 2019, tăng so với mức 3,7% của năm 2017. Tuy nhiên, một số yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu như: Căng thẳng thương mại đang leo thang, lãi suất tăng, bất ổn chính trị và các thị trường tài chính biến động mạnh.

Cùng với đó, dấu hiệu giảm tốc xuất hiện tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ sẽ dẫn tới tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong những năm tới, khi đà phục hồi kinh tế theo chu kỳ kết thúc và những tác động từ chính sách kích thích tài khóa tạm thời yếu đi. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 18/7)

- Châu Á - Thái Bình Dương: Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á năm 2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong hai năm 2018 và 2019.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong năm 2018 và 2019 lần lượt ở mức 6% và 5,9%.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,6% trong năm 2018 và 6,4% trong năm 2019; của khu vực Trung Á khoảng 4 - 4,2% trong năm 2018 và 4,2 - 4,3% trong năm 2019, do giá nguyên liệu tăng cao và tác động tích cực của kinh tế Nga; của Thái Lan là 4,2%; của Indonesia là 5,2%.(Theo ADB ngày 19/7)

- Hàn Quốc:

Nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 2,9% trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo 3% đưa ra trước đó, do nhu cầu nội địa và ngoài nước giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến nước này. (Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon ngày 18/7)

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 xuống mức 2,9%, giảm nhẹ so với dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng 4/2018, chủ yếu do tác động từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Mức dự báo này của BoK cao hơn so với con số dự báo 2,8% của Viện Nghiên cứu phát triển hàn Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế LG và Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai. (Theo Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/7)

- Venezuela: Nền kinh tế Venezuela đang trong trạng thái “nguy hiểm” với siêu lạm phát chưa từng thấy kể từ giữa thế kỷ trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 suy giảm 15% và lạm phát ở mức 14.000%.

Nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF dự báo, nền kinh tế Venezuela sẽ tiếp tục đà suy giảm ở mức hai con số trong những năm tới và IMF đã nâng mức đánh giá về tốc độ suy giảm này. (Theo IMF ngày 17/7)

- Singapore: Tăng trưởng kinh tế Singapore chậm lại trong quý II do ngành chế tạo giảm tốc và xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. GDP quý II tăng 1% so với quý I, thấp hơn mức tăng 1,5% của quý I/2018 so với quý IV/2017 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 4,3% của quý I/2018. (Theo Bộ Công Thương Singapore ngày 13/7)

- Thái Lan: Trong quý I/2018, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,8%, mức tăng cao nhất trong 5 năm, trong khi lạm phát tăng thấp. Từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giữ lãi suất ở mức rất thấp. Đồng Baht đã giảm giá hơn 2% và đang ở mức thấp nhất 9 tháng. (Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Uttama Savanayana ngày 12/7)

- Ấn Độ: Ấn Độ đã vượt Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. GDP năm 2017 của Ấn Độ đạt 2.597 tỷ USD, của Pháp là 2.582 tỷ USD. Trong 10 năm qua, GDP của Ấn Độ đã tăng gấp đôi, nhưng dân số của Ấn Độ lên tới 1,34 tỷ người, gấp khoảng 20 lần dân số Pháp.

Trong vòng 2 năm tới, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ đạt khoảng 7,5% trong năm 2019 - 2020. (Theo Hãng tin Bloomberg ngày 13/7)

- Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế nước này trong quý II/2018 chững lại ở mức 6,7%, giảm 0,1% so với quý trước đó trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 6/2018 tăng 6%, mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Chuyên gia Iris Pang của ING, Hong Kong cho rằng, Trung Quốc cần giảm dần các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và chuyển trọng tâm sang các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 16/7)

Thương mại

Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing ngày 17/7 đã nâng dự báo nhu cầu đối với máy bay vận chuyển hành khách trong 20 năm tới. Cụ thể sẽ có 42.700 đợt giao hàng, trị giá 6.300 tỷ USD, tăng 3% so với con số dự báo 41.030 đợt với giá trị 6.100 tỷ USD được đưa ra năm 2017.

Tuy nhiên, ngành hàng không dân dụng sẽ bị tác động bởi giá dầu tăng, lãi suất tăng, căng thẳng thương mại và việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 16/7 - 20/7/2018 tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt là 0,15%; 0,02%, riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,07% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (13/7/2018). Trong ngày giao dịch ngày 20/7/2018:

+ Dow Jones giảm 6,38 điểm (-0,02%), xuống 25.058,12 điểm.

+ S&P 500 giảm 2,66 điểm (-0,1%), xuống 2.801,83 điểm.

+ Nasdaq giảm 5,10 điểm (-0,07%), xuống 7.820,20 điểm.

Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,29 điểm (0,16%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (20/7/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 25,84 điểm (1,13%) lên 2.310,9 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 213,62 điểm (0,76%) lên 28.224,48 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 66,8 điểm (-0,29%) xuống 22.697,88 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 25,05 điểm (0,4%) lên 6.287,75 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 56,72 điểm (0,76%) lên 2.829,27 điểm.

Dầu mỏ

Trong năm 2017, tổng đầu tư cho năng lượng trên toàn cầu giảm 2% so với năm 2016, xuống 1.800 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện đạt trên 750 tỷ USD, cao hơn so với 716 tỷ USD đầu tư vào khai thác khí đốt và dầu mỏ. Như vậy, 2017 là năm thứ hai liên tiếp đầu tư vào ngành điện cao hơn so với đầu tư vào ngành dầu khí.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, mặc dù sản xuất năng lượng tái tạo gia tăng nhưng mức đầu tư vào loại năng lượng này vẫn giảm 3% trong năm 2017, sau nhiều năm tăng trưởng và dự báo đầu tư vào năng lượng sạch tiếp tục giảm trong năm nay.(Theo IEA ngày 17/7)

Tuần từ ngày 16/7 - 20/7/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,77% và 3%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (20/7/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1 USD (1,42%) lên 70,46 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,49 USD (0,67%) lên 73,07 USD/thùng.

Châu Âu

- Số vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu giảm hơn 50% trong 1 năm qua và đạt 14,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 với 7 thương vụ mua hoặc đầu tư mua cổ phần từ các nhà đầu tư Trung Quốc (Bally International, Mercuria Energy Group, Swiss Education Group, Lista Holding, Takeda Chromo, Granite Capital và M.A. Med Alliance) vào Thụy Sỹ chủ yếu là các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao và dược phẩm.(Theo Công ty tư vấn EY ngày 16/7)

- Từ ngày 19/7, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với 23 sản phẩm thép nhập khẩu nếu khối lượng nhập khẩu các mặt hàng này vượt hạn ngạch trung bình đã được áp dụng trong ba năm qua.

(Theo dữ liệu của EC, tổng lượng thép nhập khẩu của EU tăng từ 17,8 triệu tấn vào năm 2013 lên 29,3 triệu tấn vào năm 2017). Động thái này của EU nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu đổ vào thị trường châu Âu sau khi Hoa Kỳ tăng thuế đối với thép nhập khẩu hồi tháng 3/2018.

Việc Hoa Kỳ áp thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu làm cho các nước xuất khẩu thép “chuyển hướng” sang thị trường EU, dẫn tới những tác động bất lợi tới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của EU. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc là những nước xuất khẩu thép chủ chốt sang thị trường EU. (Theo Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom)

- Nga đã ra khỏi danh sách các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ. Tháng 5/2018, Nga nắm giữ số trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ trị giá 14,9 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 48,7 tỷ USD trái phiếu trong tháng 4/2018. Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước đứng vị trí đầu trong 33 chủ nợ lớn của Hoa Kỳ, mỗi nước nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 18/7)

Hoa Kỳ

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ngày 13/7 cho biết sẽ từng bước nâng lãi suất cơ bản do kinh tế Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng vững chắc trong nửa đầu năm nay.

Tâm lý người tiêu dùng và các nhà đầu tư hào hứng, thu nhập của các hộ gia đình gia tăng, tốc độ tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế toàn cầu và các điều kiện tài chính trong nước được cải thiện là những yếu tố góp phần mang lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, gói cắt giảm thuế của Tổng thống Hoa Kỳ cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ đã tăng với tốc độ khá ổn định trong tháng 6/2018, cho dù giá cả tăng cao hơn và tiền lương chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Đây là một dấu hiệu lạc quan của người tiêu dùng cũng như triển vọng sáng hơn đối với nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Doanh số bán lẻ tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tăng 0,5% trong tháng 6/2018, sau khi đã tăng mạnh 1,3% trong tháng 5 (số ước tính ban đầu là 0,8%) và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 16/7)

Trung Quốc

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017, vượt mức dự đoán 10% được các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Hãng tin Reuters, nhưng thấp hơn mức tăng 12,6% trong tháng 5. Nhập khẩu tăng 14,1%, thấp hơn mức tăng 26% trong tháng 5/2018.

Thặng dư thương mại tháng 6 của Trung Quốc với Hoa Kỳ đạt 28,97 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2008 đến nay, đưa mức thặng dư trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 133,76 tỷ USD, tăng khá mạnh so với mức 117.51 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. (Theo Reuters ngày 13/7)

Trong tháng 6/2018, giá nhà tại Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 21 tháng qua và là tháng thứ tư tăng liên tiếp, trong bối cảnh Chính phủ tăng cường triển khai chiến dịch chống đầu cơ nhà đất.

Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc tăng 1,1% so với tháng 6, cao hơn so với mức tăng 0,8% của tháng 5/2018. Giá nhà tại các thành phố cấp 2 của Trung Quốc tăng cao nhất, do số lượng người chuyển đến sống tại các thành phố này tăng. (Theo Bloomberg ngày 17/7)

 

Nhật Bản

Tháng 6/2018, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Hoa Kỳ giảm 0,9%, do sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu ô tô và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ Hoa Kỳ cũng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2017, do nhập khẩu các mặt hàng dầu thô, máy bay và than đá đều giảm. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Hoa Kỳ đạt 590,3 tỷ JPY, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cho biết, trong bối cảnh cán cân thương mại nghiêng về Nhật Bản, Hoa Kỳ có thể sẽ thúc ép Nhật Bản phải đưa ra các biện pháp cụ thể để giảm thặng dư thương mại. (Theo chuyên gia Shuji Tonouchi, công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ngày 19/7)

Thái Lan

Đến giữa tháng 7/2018, đồng THB đã giảm khoảng 2% giá trị so với USD, đứng thứ hai trong số các đồng tiền tại châu Á giảm giá mạnh nhất. Nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn cũng như những tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, trước biến động về tiền tệ trên phạm vi toàn cầu, Thái Lan sẽ không phải đối mặt với nhiều quan ngại do dự trữ ngoại tệ của nước này vẫn ở mức cao, giá trị cán cân tài khoản vãng lai lớn và nợ dưới hình thức ngoại tệ thấp.

Lượng ngoại tệ dự trữ của Thái Lan đã giảm từ 216 tỷ USD trong tháng 3/2018 xuống còn 215 tỷ USD trong tháng 4/2018, sau đó tăng lên 231 tỷ USD trong tháng 5/2018 và lại giảm mạnh xuống 207 tỷ USD trong tháng 6/2018. (Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan - BoT ngày 19/7)

Canada

Doanh số bán nhà tại Canada trong tháng 6/2018 đã tăng 4,1% so với tháng 5, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng lại giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2017 (là mức thấp nhất trong 5 năm qua).

Hiệp hội Bất động sản Canada cho biết, tháng 6 được xem là tháng bán hàng tốt nhất trong năm của thị trường nhà đất Canada, song số lượng nhà niêm yết trên các sàn giao dịch đã giảm 1,8% xuống còn 70.187 giao dịch, do luật liên bang mới đã đặt ra các giới hạn cho vay tiền để mua nhà đối với các ngân hàng.

Giá nhà đất giảm ở nhiều thành phố lớn như Toronto, Edmonton, Regina, Saskatoon và Calgary, nhưng mức độ giảm đang chậm lại. Ở một số thành phố khác như Vancouver, Ottawa và Montreal, giá nhà có dấu hiệu tăng nhẹ. (Theo Hiệp hội Bất động sản Canada ngày 18/7)

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM