Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến ngày 3/8/2018

Giá vàng diễn biến khá trầm lắng. Tỷ giá trung tâm trong tuần liên tiếp tăng, duy chỉ có một phiên giao ngày 2/8. Vốn FDI 7 tháng đầu năm 2018 tăưng 4,6% so với cùng kỳ….
 
Giá vàng diễn biến khá trầm lắng
Tuần qua, thị trường vàng trong nước diễn biến khá trầm lắng trước sự dẫn dắt chưa mấy rõ ràng của thị trường thế giới. Qua các phiên, giá có xu hướng giảm nhẹ, dao động trong khoảng 36,53 – 36,72 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,73 – 36,92 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Hiện những vấn đề liên quan đến thị trường quốc tế mà tâm điểm là cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Phát sinh giao dịch trong nhiều ngày chỉ mang tính chất thăm dò chủ yếu là khách hàng theo nhu cầu cá nhân.
Ghi nhận đến cuối các phiên lượng khách theo chiều bán vàng ra chiếm khoảng 60% trên tổng khách tham gia giao dịch. Kết thúc tuần, vào sáng ngày 3/8, giá vàng thời điểm mở cửa sáng neo ở mức 36,53 – 36,73 và là mức thấp nhất tuần. Chênh lệch với giá vàng thế giới bị nới rộng tới 3,1 triệu đồng một lượng.
Tỷ giá trung tâm trong tuần liên tiếp tăng, duy chỉ có một phiên giao ngày 2/8
Tỷ giá trung tâm tuần qua chỉ có một phiên giảm vào ngày 2/8. Các phiên còn lại tỷ giá liên tục tăng và mức cao nhất tuần là 22.676 đồng/USD. Diễn biến của tỷ giá trung tâm và các ngân hàng nằm trong diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế tăng vọt lên mức cao mới. Tại các Ngân hàng Thương mại, giá giao dịch USD biến động mạnh. Đầu giờ sáng 3/8, các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ thêm khoảng 10 đồng so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.250 đồng (mua) và 23.340 đồng (bán). Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 23.420 - 23.450 đồng/USD.
7 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 13,4% so với cùng kỳ
Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 7, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 775.015 tỷ đồng, bằng khoảng 58,7% dự toán, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa ước đạt 621.575 tỷ đồng - bằng 56,5% dự toán, tăng 14,3%; thu từ dầu thô ước đạt 35.353 tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán, tăng 34,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 115.970 tỷ đồng, bằng 64,8% dự toán, tăng 3,6%. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 759.725 tỷ đồng, bằng khoảng 49,9% dự toán, tăng 9,8%.Như vậy, 7 tháng năm 2018, thặng dư ngân sách đạt 15.290 tỷ đồng.
Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018
Tuần qua, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể. Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.
Tổng cục Thống kê công bố một số chỉ số về kinh tế vĩ mô
+ So với tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,09%. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, chỉ số này đã tăng 4,46%. Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 7, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85% (dịch vụ y tế giảm 7,58%) do điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế làm CPI chung giảm 0,29%. CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 7/2018 tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước.
+Lạm phát cơ bản tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
+ Tính chung 7 tháng kể từ đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%.
+Nhập khẩu, kim ngạch ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,47 tỷ USD, tăng 8,5%. Tính chung 7 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD , trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD.
+ Trong tháng 7/2018, cả nước có 11.262 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 122,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,8 tỷ đồng, tăng 0,2%. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 76.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 771,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 7,4%.
Về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2018 lên đến gần 60.000 doanh nghiệp, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có gần 20.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% và gần 40.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 45,6%.
+ Tính đến hết tháng 6/2018 vẫn còn gần 34.000 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi, tăng 8% so với cuối năm 2017. Trong đó có 26/60 địa phương có số nợ thuế tăng lớn trên 100 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ đọng thuế các tháng đầu năm 2018 tăng cao là do nợ cũ của các năm trước tồn đọng, không thu hồi được, số tiền phạt chậm nộp tính theo lãi suất 0,03% ngày tăng lên, cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ngừng hoạt động.
+ Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2018 chỉ tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước, đạt gần 1,2 triệu người, trong đó chủ yếu là khách đến từ châu Á.
Trong đó khách đến bằng đường hàng không tăng 0,2%; bằng đường bộ tăng 8,6%; khách đến bằng đường biển giảm mạnh 74,6% do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI 7 tháng đầu năm 2018 tăưng 4,6% so với cùng kỳ
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung 7 tháng vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) rót vào Việt Nam là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, 7 tháng qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam thu hút hơn 100 triệu USD vốn FDI. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn nhất, đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng ước tưng 7,8%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 2,85 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng năm 2018 đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017; thuỷ sản ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 12,3%...
Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT kèm Thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép cuộn, thép dây nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là các sản phẩm thép cuộn và thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.
Bộ Công Thương cảnh báo xuất khẩu thép sang thị trường EU
Bộ Công thương cảnh báo xuất khẩu thép sang thị trường EU. Hiện tại, Uỷ Ban Châu Âu (EC) đang tiến hành điều tra và tạm thời áp dụng hạn ngạch đối với các mặt hàng thép xuất khẩu. Việt Nam chỉ có 3/23 mặt hàng nằm trong danh sách nhưng nếu trong thời gian điều tra, nhập khẩu 3 sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM