Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong quý I/2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn.

Chú thích ảnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương trình bày báo cáo Số liệu thống kê quý I năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; không những thế, những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế quý I/2023 cũng như những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023,  phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Xin bà cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023?

Kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2023 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Theo đó, sản lượng một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới khi dịch COVID-19 được kiểm soát đã phát huy hiệu quả, tăng trưởng của một số ngành dịch vụ trong quý I năm 2023 đạt mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi có nguy cơ thua lỗ; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I năm 2023 gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô…

Tôi cho rằng, kinh tế - xã hội quý I năm 2023 của Việt Nam tuy chưa đạt được mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước phát huy hiệu quả.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Dự báo năm 2023 thương mại quốc tế suy giảm, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Xin bà cho biết điều đó có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào?

Theo tôi, tăng lãi suất tạo áp lực tỷ giá với đồng nội tệ Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những chính sách điều chỉnh phù hợp để ổn định tỷ giá. Việc tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá, giá nhiên liệu và các mặt hàng khác sẽ tăng theo, từ đó các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào và nguồn năng lượng từ nước ngoài với giá cao.

Do lãi suất tăng nên khả năng vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ yếu đi. Khi Fed tăng lãi suất sẽ đẩy giá trị của đồng USD lên. Giá trị USD tăng lên sẽ đẩy giá trị đồng Việt Nam (VND) xuống, làm tăng tỷ giá của VND với USD, tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ làm lượng kiều hối về Việt Nam giảm, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có nguy cơ giảm.

Hơn nữa, khi kinh tế thế giới suy giảm, nhu cầu giảm, sẽ làm giảm các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, làm cho hoạt động xuất nhập khẩu giảm, điều này thể hiện trong kết quả hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như: Dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử máy vi tính…

Theo bà, Chính phủ cần giải pháp gì để hạn chế các tác động tiêu cực, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất; đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm lãi suất huy động và cho vay, giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định.

Lạm phát thế giới vẫn dai dẳng ở mức cao, lãi suất USD tiếp tục tăng và cũng ở mức cao, nguyên liệu sản xuất trong nước phụ thuộc vào bên ngoài. Trong bối cảnh đó, sức ép đối với lạm phát trong nước như thế nào, thưa bà?

Trong năm 2023, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, do đó sẽ càng gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước như chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022. Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, giá các dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý. Nguồn cung lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, xin bà cho biết kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý II/2023 năm nay?

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là: 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm.

Xin bà cho biết, Tổng cục Thống kê đề xuất những giải pháp nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và các quý tiếp theo trong năm 2023?

Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi. Cụ thể, về phía cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế.

Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ... Chính sách tỷ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất.

Các cấp các ngành và địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, từ đó tạo hiệu quả về thu hút đầu tư.

Tôi cho rằng, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá; cần thực hiện tốt công tác phát triển, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu…

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn tin: TTXVN

ĐỌC THÊM