Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 2019 tiếp tục đà tăng trưởng

 Năm 2019 hứa hẹn nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất 11 năm qua. Đây cũng được coi là động lực tạo đà để nền kinh tế năm 2019 phát triển.


Sự khởi sắc của kinh tế 2018 là động lực cho tăng trưởng 2019 (Ảnh: HNV)

Khởi sắc trong năm 2018

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong năm 2018, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh tế - xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 đạt 7,08% cao nhất trong 11 năm qua. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Một trong những kết quả ấn tượng của bức tranh kinh tế là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Kết quả tăng trưởng cho thấy, nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên khi năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Các ngành dịch vụ, thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, cao hơn mức tăng các năm giai đoạn 2012-2016, sức mua tiêu dùng tăng cao...

Bên cạnh đó, trong bức tranh kinh tế năm 2018 thể hiện chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ nét. Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 208,6%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới... Cơ cấu kinh tế của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ...

Có thể thấy, những kết quả của năm 2018 sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Cụ thể, hội nhập kinh tế chuyển sang giai đoạn mới, với các cam kết thương mại thế hệ mới sâu rộng hơn, với độ mở cao của nền kinh tế sẽ tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Việc môi trường kinh doanh được cải thiện giúp làn sóng đầu tư, mở rộng kinh doanh được diễn ra. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.

Tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế 2019

Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng 2019.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới mặc dù được dự báo suy giảm nhưng vẫn ở mức tăng khá cao so với giai đoạn trước. Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của những năm trước nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế lớn. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 3,77%.

Thứ hai, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các đối tác. Việc tham gia vào các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Theo đánh giá của Trung tâm NCIF, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (nếu trong TPP12, con số này là khoảng 6,7%). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).

Thứ ba, kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2018 là điều kiện thuận lợi, tạo đà cho tăng trưởng năm 2019.

Thứ tư, kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được đảm bảo, lạm phát được dự báo trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì tốt, dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức cao là căn cứ để đảm bảo tỷ giá và lãi suất không có biến động quá lớn, là điều kiện thuận lợi ổn định kinh tế vĩ mô giúp cho tăng trưởng kinh tế 2019.

Thứ năm, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ hơn khi Việt Nam buộc phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP về cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời Chính phủ cũng đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng năm 2019 tiếp tục được duy trì bởi khu vực FDI (thông qua đóng góp trong xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo) và khu vực tư nhân khi các yếu tố hỗ trợ khu vực này đã và đang được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn (với nỗ lực Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh lên mức trung bình khu vực và đưa khu vực tư nhân làm động lực mới cho tăng trưởng).

Vụ trưởng Thống kê Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê Dương Mạnh Hùng cho rằng, chính thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019 cũng sẽ có thêm các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, “nền kinh tế tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới. Năm 2019 sẽ hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư. Bên cạnh đó, 3 nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chế biến chế tạo cũng bổ sung nhiều năng lực mới như: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa, sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và rất nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019”, ông Dương Mạnh Hùng chỉ rõ.

Trong khi đó, theo dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%. Còn theo kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 của NCIF, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,84% ở kịch bản cơ sở và 7,02% ở kịch bản cao.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần phải cải thiện đáng kể nhận thức và khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước. Theo đề xuất của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN và cơ sở kinh doanh cá thể.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển... Đồng thời, nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. Cùng với đó, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế...

Đặc biệt, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam...

Nguồn tin: ĐCSVN

ĐỌC THÊM