Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2010

Các kịch bản dự báo kinh tế mới được công bố cho thấy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010 của Việt Nam có nhiều khả năng đạt được.

Với một số giả định cho kịch bản cơ bản như GDP của các đối tác thương mại của Việt Nam tăng khoảng 3,5% so với năm 2009; giá dầu thô thế giới tăng 22,6%; giá nguyên vật liệu thế giới tăng 5,8%; giá nông sản thế giới tăng ở mức thấp khoảng 3%; giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10%, và đặc biệt, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt một cách thận trọng như hiện tại và đầu tư từ ngân sách như kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 tại kịch bản cơ bản do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng là 6,54%.

Dự báo trên tuy đã nhỉnh hơn kế hoạch năm 2010, song thấp hơn khá xa so với các kịch bản năm 2010 mà một số tổ chức nghiên cứu vừa mới đưa ra cho Việt Nam. Trong Báo cáo đặc biệt: Việt Nam - khám phá lại biên giới, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 đạt khoảng 6,7%. Trước đó, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 có thể đạt tới 6,8%.

Cơ sở của các dự báo trên là các tác động tích cực mà kinh tế Việt Nam, với độ mở khá lớn, nhận được từ sự phục hồi tích cực của kinh tế thế giới, cũng như xu hướng thuận trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6% hồi đầu năm lên 6,5% cùng với sự phục hồi của đầu tư tư nhân, tiêu dùng và tăng trưởng xuất khẩu ngoài dầu mỏ. IMF cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 4,2% từ mức 3,9% trước đó. Định chế này cũng khẳng định, kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Trong khảo sát được công bố cuối tháng 5 vừa qua của Ngân hàng HSBC về chỉ số tin cậy thương mại, hơn 5.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tin tưởng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng trong 6 tháng tới. Mức độ tin tưởng của doanh nghiệp Việt Nam rất cao, đứng thứ 3 trong 17 thị trường được khảo sát. Điều này cho thấy, mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới không dừng lại ở các tín hiệu mà đang được các doanh nghiệp tận dụng.

Các động thái tích cực này cũng khiến trong kịch bản cao mà các chuyên gia kinh tế của CIEM xây dựng, tăng trưởng GDP được kỳ vọng ở mức 6,8-7%. Trong kịch bản cao, các giả định về xuất khẩu, vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của ngân sách đều tăng cao hơn so với kịch bản cơ bản.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao sẽ kéo theo cung tín dụng tăng tới 30% và lạm phát có thể tăng tới 9,5% so với năm 2009 và thâm hụt ngân sách cũng như thương mại tương đối cao, do cung tín dụng phải tăng tới 30% và đầu tư từ ngân sách cũng cao hơn so với kịch bản cơ bản. Trong kịch bản cơ bản của CIEM, hai chỉ tiêu lạm phát và tín dụng tương ứng tăng 8,5% và 25%. Tính toán của IMF khi mức tăng GDP là 6,5%, thì lạm phát có thể tăng trên mức mục tiêu 8% của Chính phủ và mức cao nhất là khoảng 10% trong năm nay với điều kiện giá thực phẩm và nhiên liệu ổn định. Cũng phải nói thêm rằng, trong mô hình dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, tốc độ lạm phát năm 2010 của Việt Nam ở mức rất cao (trên 10%).

Có thể thấy khá rõ rằng, vào thời điểm này, khi nền kinh tế Việt Nam đang vào đà phục hồi khá mạnh, cộng với tác động cộng hưởng mạnh từ sự phục hồi của các nền kinh tế thế giới trong đó có các đối tác thương mại của Việt Nam (trừ các nước thuộc khối EU), sẽ đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng GDP theo kỳ vọng. Mặc dù vẫn đưa ra kịch bản thấp với tăng trưởng GDP khoảng 6%, các chuyên gia CIEM cho rằng, khả năng hiện thực của kịch bản này không cao.

Tuy nhiên, với giả định các điều kiện như hiện tại, có quan điểm cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt ngưỡng tăng trưởng cao nếu ưu tiên chính sách thay đổi, nghĩa là lựa chọn tốc độ tăng trưởng cao. Chỉ có điều, trong khuyến nghị chính sách của Ngân hàng Standard Chartered cũng đã nhắc tới, đó là sự gia tăng tăng trưởng sẽ kích hoạt thâm hụt thương mại tăng trở lại. IMF cũng bày tỏ lo ngại khi chính sách nới lỏng để phục vụ nhu cầu đầu tư nếu thực hiện quá sớm, có thể dẫn đến những xáo trộn trong thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào cuối năm nay.

Baodautu

ĐỌC THÊM