Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khổ vì "đô" lên giá

Áp lực tăng giá cuối năm tiếp tục đè nặng lên nhiều mặt hàng khi tỉ giá giữa đồng VN và USD tiếp tục tăng. Đặc biệt là nhóm mặt hàng phụ thuộc phần lớn từ nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngành thép là một trong những ngành chịu sự tác động lớn nhất khi phần lớn nguyên liệu sản xuất, từ thép phế cho đến phôi thép, đều phải nhập khẩu.

“Ngồi trên đống lửa”

Theo tính toán của ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, trung bình mỗi tháng công ty phải nhập khoảng 40.000 tấn thép phế ( bình quân 360 USD/tấn) và khoảng 30.000 tấn phôi thép (giá 470-480 USD/tấn). “Chỉ cần qua một ngày với tốc độ tỉ giá biến động như hiện nay, chúng tôi phải bù lỗ ít nhất 2,8 tỉ đồng mới mua được USD để nhập nguyên liệu về sản xuất”, ông Thái than thở. Với lượng nguyên liệu cần nhập khoảng 70.000 tấn/tháng như hiện nay, công ty phải mua xấp xỉ gần 30 triệu USD. Chính vì vậy, tỉ giá đồng USD tăng liên tục những ngày qua đã khiến DN như “ngồi trên đống lửa”.

Tương tự, ông Võ Tấn Thịnh, tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc dây và cáp điện Thịnh Phát (TP.HCM), cho biết với 700 tấn đồng và nhôm nhập khẩu trị giá 2,75 triệu USD/tháng phải nhập hằng tháng, công ty đã “mất đứt” gần 1,7 tỉ đồng khi “tháng trước giao dịch bên ngoài tỉ giá chỉ 18.300 đồng/USD nay phải mua đến 18.900 đồng/USD”.

Chi phí đội lên là vậy nhưng ông Thịnh cho rằng không thể tăng giá bán sản phẩm vì sức cầu trên thị trường hiện đang ở mức thấp do tình hình thời tiết không thuận lợi, kèm theo một loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, xây dựng công xưởng vẫn chưa mấy khả quan.

Theo ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, trong bối cảnh sức mua khá yếu như hiện tại thì khả năng tăng giá bán là điều rất khó được thị trường chấp nhận. Khả năng gánh lỗ, hoặc suy giảm lợi nhuận gần như là chắc chắn đối với DN nào không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, đặc biệt ở những DN dệt may có tổ chức bán hàng ở thị trường nội địa.

Còn ông Trần Thanh Sang, giám đốc điều hành Công ty cổ phần thời trang Việt, cho rằng nếu DN có được mối quan hệ tốt với nhà cung cấp, việc thương lượng lại giá nhằm giảm thiểu khả năng thiệt hại trong bối cảnh tỉ giá đồng USD tăng như hiện nay là điều được nghĩ đến trước tiên. Nhưng khả năng thành công phụ thuộc rất lớn vào “tầm vóc” của nhà sản xuất lẫn “độ lớn” của các giao dịch nguyên phụ liệu.

Giá hàng nhập khẩu tăng

Theo ghi nhận hiện tại ở nhiều siêu thị, giá một số mặt hàng nhập khẩu nhựa, thực phẩm công nghệ, hàng thủy tinh đã được điều chỉnh tăng 5-15%. Cụ thể, giá các loại nước trái cây nhập đang tăng bình quân 3.000-5.000 đồng/hộp, bánh quy các loại tăng bình quân 700 đồng/gói, riêng mặt hàng thủy tinh, inox đã tăng đến 15.000-30.000 đồng/sản phẩm.

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết hiện tại siêu thị có hơn 10.000 mặt hàng nhập khẩu từ bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng gia dụng… và áp lực tỉ giá đang đè nặng lên giá cả các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, để điều chỉnh giá thật không dễ vì sức mua hiện đang rất chậm. Trường hợp DN muốn thông báo điều chỉnh tăng giá phải mất ít nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo, vì vậy các mặt hàng khác chưa có biến động giá mạnh.

Bà Nguyễn Thùy Trang, giám đốc kinh doanh Công ty Trí Phúc, cho hay để chuẩn bị việc khai trương một siêu thị đồng giá mới vào ngày 18-11, công ty đã nhập một lô hàng trị giá 5 triệu yen (Nhật). Tuy nhiên, khi khai báo hải quan, nhân viên công ty báo về cho biết phải bù thêm 30 triệu đồng mới lấy được hàng về. Bà Trang nói cái khó nữa hiện nay của những DN nhập hàng từ Nhật là mặc dù mua theo đồng yen nhưng khi thanh toán tại cảng lại bằng đồng USD. Tỉ giá đồng yen so với đồng VN đang tăng, thêm một lần quy ra đồng USD xem như đã bị “một cổ hai tròng”.

Một số DN thực phẩm nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất tết cũng cho biết dù chủ động giảm lãi gộp nhưng mùa tết năm nay giá bánh kẹo sẽ tăng ít nhất 5-10%. Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc Hancofood, cho biết với tỉ giá cao ngất ngưởng thì việc công ty điều chỉnh tăng giá chỉ là chuyện sớm muộn. “Chúng tôi vừa nhập lô hàng nguyên liệu trị giá 200.000 USD, và phải bù chênh lệch hơn 150 triệu đồng so với số tiền thanh toán tính theo tỉ giá của tháng trước. Trong tình hình giá nguyên liệu tăng, tỉ giá tăng, giá mỗi sản phẩm phải tăng thêm ít nhất 10-15% mới bù được”, ông Châu nói.

Không dám nhập nhiều

Các DN nhập hàng bán tết cho biết hàng hóa phục vụ tết sẽ tăng ít nhất 10-15%, cũng vì tỉ giá đồng USD đang biến động nên không dám nhập nhiều do toàn những mặt hàng mang tính thời vụ, “nếu tồn hàng vì giá cao sẽ rất khó giải quyết”, giám đốc một siêu thị cho hay. Một số ngành như dây và cáp điện, sản phẩm nhựa các loại, sản xuất quần áo may mặc cho thị trường nội địa hiện đang đối mặt với khả năng lợi nhuận suy giảm khá lớn khi nguyên liệu sản xuất hoàn toàn phụ thuộc việc nhập khẩu.

(VietStock)

ĐỌC THÊM