Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

IMF: Giảm nợ công - thách thức lớn cho các nền kinh tế phát triển

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) Dominique Strauss-Kahn tin rằng tình trạng nợ công tại các nước phát triển có khả năng sẽ tăng đáng kể và việc điều chỉnh giảm những con số này thực sự sẽ là thách thức "ghê gớm" cho chính phủ các nước, tờ Reuters hôm thứ Bảy (10/04) đưa tin.Ông Strauss-Kahn cũng cho biết, theo đánh giá của ông, phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt và còn nhiều khó khăn, vì thế chính phủ các nước phát triển vẫn nên tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ kinh tế như trong thời gian qua.

Sự gia tăng lo ngại về khả năng tài trợ của chính phủ đối với các khoản nợ công cao trong nước sau giai đoạn khủng hoảng vừa qua, đặc biệt là với chính phủ Hy Lạp, đã và đang khiến giới đầu tư như ngồi trên đống lửa trong vài tháng gần đây.

Ông Strauss-Kahn cho hay, nợ công của các nước phát triển dự đoán sẽ tăng khoảng 35% lên 110% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2014. Do đó, "việc điều chỉnh giảm con số gia tăng này thực sự sẽ là thách thức ghê gớm đặc biệt là khi muốn giảm nợ công xuống mức như trước khi khủng hoảng xảy ra, điều cần thiết để giúp các nước có đủ nguồn tài chính đối phó với những cuộc khủng hoảng trong tương lai."

Theo ý kiến của ông, trong vòng hai thập kỷ tới hoặc hơn, các nước "nên giảm nợ công thay vì tăng chi phí tài chính hoặc cắt giảm thuế."

Bên cạnh đó, ông cũng nêu cao tính quan trọng của việc phối hợp chính sách giữa các nước Châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Ngoài ra, ông còn đề cập tới ý kiến mà một cộng sự của ông đang làm việc tại IMF cho rằng việc đưa ra mục tiêu lạm phát cao hơn sẽ buộc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn tới việc hạ thấp lãi suất cho vay cơ bản, đặc biệt là khi phải đồng thời quan tâm tới cả nguy cơ có thể xảy ra những cuộc khủng hoảng do giảm phát. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, hiện tại đây chưa phải là "câu hỏi chính đối với chính sách tiền tệ và không nên khiến chúng ta bị phân tán khỏi những mối quan tâm đáng lo hơn."

Ông khẳng định, kinh tế thế giới bước đầu đã đi vào con đường phục hồi, song, con đường này sẽ không bằng phẳng và còn lắm chông gai, do đó các nước phát triển nên tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ kinh tế như trong thời gian qua. Hơn nữa, "chúng ta sẽ phải mất nhiều năm để vượt qua và khắc phục được những hậu quả tiêu cực mà khủng hoảng đã gây ra như tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp và nợ công gia đồng loạt tăng cao."

(Reuters)

ĐỌC THÊM