Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hướng đến sản xuất sạch hơn trong ngành thép

- Việt Nam đang là nước duy nhất trong khối ASEAN có công nghệ luyện gang lò cao với tổng công suất khoảng 300.000 tấn gang/năm. Cùng với đó là 25 lò điện luyện thép đã, đang hoạt động, ngoài ra còn một số đang lắp đặt với tổng công suất thiết kế khoảng 4,5 triệu tấn phôi, thỏi/năm.

 Ước tính đến năm 2010 tổng sản lượng thép sẽ đạt khoảng 6,3-6,5 triệu tấn, 2015 là 10-11 triệu tấn và 2025 là 18-20 triệu tấn, theo đó sản lượng thép để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng trong nước cũng tăng tương ứng từ 55-60% lên đến 75% vào năm 2025.

Tuy nhiên, tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu cho sản xuất gang thép của Việt Nam đang khá lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Chu Đức Khải - Chuyên viên cao cấp, Chuyên gia tư vấn ngành thép của Bộ Công Thương cho biết “hiện để sản xuất ra 1 tấn gang chúng ta tiêu hao hết 850kg cốc, tương đương với 5,85 Gcal/tấn, trong khi đó Nhật Bản chi phí năng lượng cho 1 tấn gang chỉ là 3,0 Gcal/tấn. Đối với quặng sắt, mức tiêu hao của Việt Nam là 1,832 tấn/tấn gang trong khi ở Nhật Bản là 1,610 tấn/tấn gang; thời gian luyện phôi thép ở Việt Nam từ 90-180 phút/mẻ còn ở Nhật Bản và các nước trên thế giới đạt 45-70 phút/mẻ; tiêu hao điện năng ở Việt Nam là từ 550-690KWh/tấn còn các nước trên thế giới dao động từ 360-430 KWh/tấn”.

Theo những số liệu trên thì chi phí sản xuất tại các DN thép của Việt Nam là tương đối lớn, mức tiêu hao năng lượng cao trong khi hiệu quả sản xuất còn thấp. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý và các DN công nghiệp bài toán về cải tiến sản xuất, thay đổi đổi công nghệ, phương thức sản xuất, phải áp dụng sản xuất sạch hơn để từ đó giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường.

Hiện nay trên thế giới, để cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất gang lò cao các nước thường đi theo 5 hướng chính đó là: Trung hòa, tuyển chọn nguyên liệu sạch, tăng tỷ lệ quặng thêu kết trong mẻ liệu lò cao; tăng áp lực cổ lò, nâng cao nhiệt độ gió nóng và phun nhiên liệu phụ để cường hoá quá trình. Đồng thời, nhiều công nghệ hiện đại cũng được áp dụng như: Kỹ thuật phát điện bằng áp suất dư đỉnh lò cao, công nghệ phun than cám và ôxy vào lò cao, công nghệ ép viên bụi lò luyện thép, công nghệ hoàn nguyên bột sắt từ vảy cán… Những công nghệ này có ưu điểm là giảm tiêu hao cốc luyện kim, giảm ô nhiễm môi trường, hạ giá thành sản phẩm, tận thu tài nguyên…

Nhận thức được hạn chế của mình, các DN trong ngành sản xuất thép Việt Nam đều mong muốn thay đổi công nghệ, hướng đến công nghệ sạch của thế giới. Có như vậy, DN không những tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tạo ra một môi trường làm việc trong lành, giảm chi phí đối với vấn đề môi trường, tận dụng nguồn tài nguyên… Song cái khó của các DN chính là vấn đề nguồn vốn và cách tiếp cận những công nghệ phù hợp với đặc thù sản xuất.

Để hỗ trợ phần nào cho các DN sản xuất gang, thép trong việc ứng dụng sản xuất sạch hơn, Bộ Công Thương - thông qua dự án Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) do Đan Mạch tài trợ, - đã xây dựng hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho ngành thép. Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên và Nghệ An cùng Hiệp hội Thép Việt Nam triển khai dự án sản xuất sạch hơn cho một số DN sản xuất gang thép trên địa bàn hai tỉnh trên.

Với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, những công nghệ, mô hình sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực thép của các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia có sản lượng sản xuất thép lớn nhất trên thế giới hiện nay - đã được giới thiệu tới các DN ngành thép.

Theo ông Mikael Palme Malinovsky, Cố vấn kỹ thuật quốc tế của CPI cho biết “Việc giới thiệu về công nghệ sản xuất sạch hơn cũng như kinh nghiệm chuyển đổi, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép của các quốc gia khác cho các DN Việt Nam là mong muốn các DN thay đổi nhận thức về sản xuất sạch hơn, những lợi ích về kinh tế, môi trường, lợi thế cạnh tranh mà sản xuất sạch hơn mang lại. Sau khi DN nhận thức được vấn đề này nếu muốn tiếp cận nguồn vốn vay của dự án nhằm cải tiến công nghệ, các DN phải làm hồ sơ trình bày hiện trạng công nghệ sản xuất, mức tiêu hao năng lượng... của nhà máy từ đó đưa ra các giải pháp xử lý. Dự án sẽ nghiên cứu và đi khảo sát thực tế sau đó sẽ quyết định lựa chọn các mô hình trình diễn”.

Với sự hỗ trợ của CPI, hy vọng thời gian tới các DN sản xuất gang, thép của Thái Nguyên và Nghệ An sẽ sớm tiếp cận sản xuất theo hướng sản xuất sạch. Tuy đây chỉ là hoạt động tại một vài DN để trình diễn nhưng thành công từ các mô hình mẫu này sẽ được phổ biến đến nhiều DN gang, thép góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành thép, tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp cho người lao động có được môi trường làm việc trong lành hơn…

(Thông tin hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho ngành thép hiện được đăng tải trên trang web của địa chi www.cpi.moit.gov.vn)

(Kinh tế việt nam)

ĐỌC THÊM