Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giải pháp "cứu" ngành thép: Tìm cách hài hòa về quyền lợi

- Ôm hàng lúc giá cao mong hưởng chênh lẹch không thành, nay lượng tồn kho quá lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thua lỗ dẫn đến sản xuất cầm chừng, không ít đơn vị phải dừng sản xuất và đứng trước nguy cơ phá sản…
 
Trong cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với các DN thép vừa diễn ra tại Hà Nội, một vấn đề mới đặt ra là làm sao có một một giải pháp hữu hiệu nhất đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan, trong đó có người tiêu dùng…
 
Hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc
 
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 10/2008, lượng tồn kho thép phế, phôi và các thành phẩm thép khác của các DN thành viên và ngoài Hiệp hội lên khoảng 2 triệu tấn. Nhưng theo Hiệp hội DN vừa và nhỏ, lượng phôi thép và các thành phẩm thép tồn trong sản xuất và lưu thông đã lên tới 3 triệu tấn. Liên tiếp 4 tháng, thị trường thép trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng xảy ra. Tiêu thụ thép tháng sau giảm hơn tháng trước, mỗi tháng chỉ hơn 10 vạn tấn, bằng 1/3 mức bình thường. Hầu hết DN sản xuất phôi ngừng sản xuất vì không bán được phôi, DN sản xuất thép cũng "đóng cửa" hoặc sản xuất cầm chừng để duy trì lương cơ bản cho công nhân hàng tháng vì càng sản xuất càng lỗ. Hiện giá bán thép chỉ bằng 50 - 60% giá thành mà cũng rất khó tiêu thụ. Trong khi dư nợ của ngành thép chiếm tới 15% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, mỗi tháng lượng tồn kho vẫn phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao 20%, số lãi lên tới 2 tỷ USD.
Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà máy đã phải cho công nhân nghỉ việc và tính đến phương án cho hưởng 70% "lương cứng". Nếu tình trạng này kéo thêm 2 - 3 tháng, nguy cơ một nửa số DN sản xuất thép trong nước sẽ đứng bên bờ phá sản, kéo theo hàng chục vạn lao động mất việc làm.
 
Tìm giải pháp dài hơi, tránh mâu thuẫn quyền lợi
 
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA đã kiến nghị một số biện pháp khẩn cấp "cứu" ngành thép thoát khỏi khủng hoảng và "cơn bão" thép giá rẻ từ một số nước đang tìm cách bán tháo vào Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là công cụ thuế. Hiệp hội đề nghị nâng thuế nhập khẩu (NK) thép xây dựng từ 7 lên 20%, thép cuộn cán nguội từ 7 lên 9%, ống thép từ 10 lên 20%, thép cuộn cán nóng dầy 3-12mm từ 0 lên 10% và phôi thép từ 2 lên 5%.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, nếu thực hiện giải pháp này sẽ lập tức vấp phải những xung đột quyền lợi ngay nội bộ ngành thép. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, cần xem xét thật thận trọng mối tương quan để đảm bảo lợi ích giữa DN sản xuất phôi thép và DN cán thép, giữa DN thép với các DN xây dựng và cơ khí, không những thế còn phải cân bằng giữa DN sản xuất kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ông Lê Văn Vang, giám đốc Công ty TNHH Nam Vang chuyên kinh doanh thép, việc áp thuế NK phôi thép quá cao sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giá thành sản xuất thép trong nước cũng như các ngành xây dựng, đóng tàu, công nghiệp điện tử…, vì hiện phôi sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu, hơn nữa giá thành lại quá cao so với giá thế giới. Tăng thuế NK phôi thép còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được dùng thép giá rẻ của khách hàng, do đó không kích cầu được đầu tư xây dựng, trong nhiều trường hợp sẽ dẫn tới lạm phát.
Chính đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC), đơn vị nòng cốt của ngành thép cũng cho rằng, mặc dù đời sống của hơn 1,7 vạn lao động có thể bị ảnh hưởng khi sản xuất bị đình trệ nhưng Tổng công ty không kiến nghị Chính phủ tăng thuế NK phôi thép và các sản phẩm thép, bởi đây là giải pháp ngắn hạn và không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hơn nữa, việc tồn đọng phôi thép và sản phẩm thép dẫn tới thua lỗ như hiện nay là do nhiều DN sản xuất, thương mại đã tính toán sai lệch nhu cầu, không nhạy bén với biến động kinh tế. Việc cần làm trước mắt chính là khơi thông "đầu ra" cho sản xuất thép.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang khẳng định, khó khăn của DN thép không phải ngày một ngày hai và rất khó dự báo. do vậy, DN phải tự cứu mình là chính, nhất là trong tình hình nền kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu giảm phát. Hiện Việt Nam vẫn phải NK phôi thép nhưng quan điểm của Bộ là sẽ điều chỉnh thuế NK để bảo hộ sản xuất phôi thép - ngành sản xuất thượng nguồn. Tuy nhiên, cần tính toán mức độ tăng thuế NK phù hợp để vừa bảo hộ sản xuất phôi thép mà vẫn không ảnh hưởng đến các ngành khác, bởi VN vẫn phải phụ thuộc thị trường thế giới trong 1 - 2 năm tới. Đồng thời, cần có số liệu tồn đọng chính xác các chủng loại thép để đưa ra mức thuế hợp lý.
Về lâu dài, ngành thép cần xác định lại chiến lược phát triển, cải tiến kỹ thuật công nghệ, tăng cường hợp tác giữa các DN để tạo thế mạnh, giảm chi phí sản xuất bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn. Do sản xuất manh mún, chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam hiện cao gần gấp đôi thế giới. Dẫn chứng cụ thể là một tấn thép Trung Quốc bán sang Việt Nam đã phải chịu thuế GTGT và thuế NK khá cao vẫn rẻ hơn giá phôi thép trong nước.
 
(KTĐT)

ĐỌC THÊM