Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tăng nhanh, chủ công trình lo lắng

Từ đầu năm đến nay, thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung tăng giá mạnh khiến chủ nhiều công trình xây dựng phải tính toán lại. Không ít công trình dân sinh phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước áp lực tăng giá này.

Giá thép sẽ “hạ nhiệt” vào tháng 6 tới?

Thi công suốt ngày đêm

Gần 20h nhưng những người thợ đang xây dựng nhà dân trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) vẫn mải miết làm việc. Họ bóc tách những lớp vỏ bao xi măng, bạt lót dưới trần nhà. Một tốp thợ khác kỳ cạch gõ, xây tường ở phía trên để nhanh chóng hoàn thiện phần thô của tầng 3. Anh Kiên - chủ nhóm thợ cho biết: “Cả chục ngày nay, chủ nhà giục anh em thợ làm ngày đêm để công trình nhanh chóng hoàn thành, đối phó với giá vật liệu xây dựng tăng liên tục”.

Không chỉ giá thép, xi măng mà cả cát, sỏi và phí vận chuyển cũng tăng. Anh Kiên ước tính, so với trước Tết, công trình nhà ở cá nhân này đã phải chi thêm hàng chục triệu đồng tiền vật liệu xây dựng. Anh em công nhân thay vì làm việc nhiều công trình cùng lúc đã tập trung lại, làm trước những công trình nào chủ giục gấp gáp hơn.

Các chủ thầu xây dựng lớn cũng đang đau đầu với tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao liên tiếp trong thời gian gần đây.

Theo một Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, các công trình xây dựng đã ký hợp đồng trọn gói và không có điều khoản bù giá đang bị lỗ nặng. Tâm trạng lo lắng này cũng xảy ra với các chủ đầu tư thiếu vốn và đã ấn định giá căn hộ để huy động vốn. Một số nhà thầu lường trước được vấn đề giá vật liệu xây dựng tăng đã có dự phòng, đặt cọc mua nguyên liệu trước vài tháng nhưng còn rất nhiều mặt hàng khác, họ buộc phải chấp nhận mua với giá cao.

Được biết, hiện nay chưa có công trình xây dựng nào phải hoãn thi công do giá vật liệu xây dựng tăng cao nhưng các chủ đầu tư công trình phải thúc đẩy nhanh tiến độ. Anh Phiêu - chủ đầu tư các công trình xây dựng cỡ nhỏ cho hay: “Việc ký kết mua vật liệu, thép xây dựng trong dài hạn hiện nay rất khó. Ngay cả các đại lý phân phối cấp 1 đã quen mua cũng chỉ ký đơn hàng dè dặt”.

Giá thép sẽ tiếp tục tăng

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng dự báo, giá thép có thể còn nhích lên. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu, phôi thép, thép phế Việt Nam phải nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, giá điện, than, cước vận chuyển trong nước, tỷ giá USD/VND cũng tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên. Theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, giá thép bán trong nước có thể sẽ ổn định trong tháng 6 tới, bởi đầu quý II, nhu cầu xây dựng của người dân vẫn còn rất cao.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chia sẻ: “Hiện nay rất khó để ký hợp đồng mua nguyên liệu sản xuất thép trong dài hạn, mà chỉ có thể ký ngắn hạn. Điều này có thể hiểu giá nguyên liệu thép tiếp tục tăng cao”. Các nhà máy sản xuất thép trong nước vẫn vận hành hết công suất. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp, việc tiêu thụ thép tăng, giá thép tăng do tình trạng đầu cơ, “găm” hàng của chủ đại lý phân phối. Nếu giá thép được dự báo tiếp tục tăng thì tình trạng “găm” hàng vẫn có thể tiếp diễn.

Hiện nay, giá thép cuộn của Công ty Thép miền Nam (thuộc Tổng công tyThép Việt Nam) đang được xuất kho với giá 13,72-13,81 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT và phí vận chuyển. Giá bán lẻ thép tại các đại lý có thể cao hơn giá công ty khoảng 1 triệu đồng/tấn và tùy theo thương hiệu.

Chiều 12-4, khảo sát một số đại lý bán lẻ thép xây dựng cho thấy, giá thép vừa tăng thêm 220.000-250.000 đồng/tấn so với trước đó. Giá thép trong nước tăng cao nhưng các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này không mấy lo lắng bởi giá thép nhập ngoại vào Việt Nam cũng tăng tương ứng do tác động của các yếu tố khách quan nêu trên.

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM