Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tăng 'chóng mặt', cửa hàng không dám... báo giá

(baodatviet) Từ đầu năm đến nay, khách hàng luôn trong tình trạng lo sốt vó vì sự “nhảy nhót” liên tục của giá thép. Nhiều cửa hàng cho biết, mức giá thậm chí có thể thay đổi trong ngày.

Theo kết quả khảo sát thị trường ngày 14/4 của Đất Việt, hiện giá thép tại các cửa hàng, đại lý tại Hà Nội dao động 16,5 - 17 triệu đồng một tấn. Mức giá này so với chưa đầy hai tháng trước (thời điểm cuối tháng 2) tăng khoảng 4 triệu đồng một tấn.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo đợt thanh tra giá thép trong tháng 3 tại 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép xây dựng. Theo kết quả thanh tra, mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23/3 của các doanh nghiệp là khá cao (trên 13%), tăng gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009.



Tại Công ty thép Việt - Úc và thép Úc, cửa hàng Duy Thuần số 460 Minh Khai, thép cuộn tròn  D6, D8 có giá 16,4 triệu đồng; thép cuộn gai D8 là 16,5 triệu đồng; thép SD 295 A D18 có giá 16,08 triệu đồng một tấn... (đã bao gồm VAT).

Các đại lý, cửa hàng khác cũng áp mức giá tương tự. Tại tổng đại lý thép xây dựng Chung Lâm ở Trường Chinh, chỉ trong vòng chưa đến một tuần mà sản phẩm dây thép buộc tăng khoảng 3.000 đồng một kg, từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng. Một nhân viên ở đây cho biết, hơn một tháng nay, giá thép tăng 4 - 5 lần, mỗi lần tăng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng một tấn. “Hiện cửa hàng rất hạn chế phát phiếu báo giá cho khách vì phiếu báo giá chỉ có tác dụng từ một đến hai ngày khi giá thép liên tục thay đổi”.

Giá thép liên tục "nhảy múa" thời gian qua. Ảnh: TNLinh.

 Việc giá thép tăng đột biến thời gian qua khiến nhiều khách hàng “méo mặt”. Anh Nguyễn Trí Tùng quê Thái Bình chia sẻ, anh phải vất vả lắm mới mua được một xuất đất trên Hà Nội và có ý định xây nhà từ tháng trước. Nhưng tới bây giờ vẫn chưa dám khởi công vì “nếu xây nhà bây giờ thì sẽ phải mua thép với giá cao, tương đương với việc phải mất thêm gần trăm triệu đồng nữa”, anh Tùng nói.

Anh Nguyễn Văn Pháp, cán bộ kỹ thuật của Công ty xây dựng các công trình Văn Hóa, đang thi công công trình trường học tại Khương Trung, Hà Nội, cũng ngao ngán cho biết, với giá thép hiện nay, công trình anh đang nhận so đội giá lên trên 30% so với thời tháng 9 năm ngoái.

Ông Lê Danh Phú, một chủ thầu tự do, nhận định, giá thép tăng cao sẽ khiến người dân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất vì họ thường mua với số lượng nhỏ ở cửa hàng bán lẻ, giá bán thường cao hơn so với các doanh nghiệp sản xuất.

Phải công khai giá bán và tỷ lệ chiết khấu thép

Tăng tỷ lệ cung ứng mặt hàng thép trực tiếp đến tay người sử dụng, giảm các chi phí trung gian, công bố công khai tỷ lệ chiết khấu, chất lượng sản phẩm và giá bán. Đây là một trong những yêu cầu vừa được Bộ Công thương gửi Tổng công ty Thép Việt Nam nhằm bình ổn mặt hàng này.

Trước tình trạng giá thép trong nước tăng mạnh trong thời gian qua Bộ Công thương đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thép trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, không để tình trạng thiếu thép hoặc tăng giá bất hợp lý; rà soát lại cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giá bất hợp lý.


 

 

 

ĐỌC THÊM