Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép nhấp nhổm tăng

Giá thép trên thị trường đã đồng loạt tăng lên mức mới sau khi các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán với mức tăng trung bình 200.000 - 300.000 đồng/tấn.

Bởi phụ thuộc lớn vào phôi nhập khẩu, nên thép cũng là mặt hàng có sự thay đổi đáng chú ý về giá bán khi tỷ giá VND/USD biến động mạnh trong những ngày qua. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt - nơi có thương hiệu thép Pomina- cho hay, nếu tính theo tỷ giá VND/USD hiện nay, thì các nhà sản xuất lỗ ít nhất 600.000 đồng/tấn.

“Với sản xuất công nghiệp, việc tỷ giá VND/USD biến động mạnh sẽ gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp ngành thép”, ông Thái nói. Giá bán thép thời điểm ngày 10/11 tại Công ty xấp xỉ 14 triệu đồng/tấn (chưa gồm 10% thuế giá trị gia tăng - VAT). Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, vào đầu tháng 11 này, giá thép xuất xưởng phổ biến ở mức 14 - 14,1 triệu đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT).

Trong bản tin vừa xuất bản tuần này, VSA cũng dự báo, do tác động của tỷ giá, giá thép trên thị trường có thể tăng nhẹ 200.000-300.000 đồng/tấn trong tháng 11, nhưng sẽ không có biến động lớn vì sức tiêu thụ không cao, năng lực sản xuất lớn hơn nhu cầu và Chính phủ đã có biện pháp can thiệp để giữ tỷ giá VND/USD.

“Giá phôi hiện chào ở mức 580-585 USD/tấn, cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 10. Tuy vậy, mức tăng này không đáng ngại nếu so với biến động tỷ giá. Nếu tính đủ thì giá thép phải tăng 600.000-700.000 đồng/tấn, nhưng các doanh nghiệp không dám tăng nhiều, bởi họ phải cạnh tranh với nhau do công suất dư thừa và cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, nếu giá tăng mạnh, chủ công trình sẽ không mua”, ông Cường nói.

Sản xuất thép xây dựng của các công ty thép là thành viên VSA trong tháng 10 vừa qua đạt 443.685 tấn, tăng 9,18% so với tháng 9/2010. Nếu so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng trưởng này lên tới 25%. Đáng chú ý là, lượng thép xây dựng bán ra của các công ty trong VSA tháng 10 vừa qua đạt 448.293 tấn, tăng 57,95% so với tháng 9/2010 và tăng 56,22% so với cùng kỳ năm 2009.

Mặc dù thị trường tiêu thụ tốt, nhưng nếu so với năng lực sản xuất hiện có, thì công suất dư thừa vẫn rất lớn. Ngay một số công ty mà sức tiêu thụ hàng khá tốt (như Thép Việt) cũng mới phát huy được 70% năng lực sản xuất cùng khả năng tiêu thụ khoảng 750.000 tấn đến 1,1 triệu tấn sản lượng.

Vẫn theo VSA, lượng thép tồn kho tính tới ngày 31/10/2010 của các công ty thành viên VSA là 322.872 tấn. Dự trữ phôi thép tồn ở các công ty sản xuất thép trong tháng 10/2010 là 550.000 tấn, đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy cán thép những tháng còn lại của năm 2010. Ngoài ra, nguy cơ cạnh tranh từ thép nhập khẩu ở một số nước trong khu vực ASEAN cũng đang khiến thép nội phải tính tới việc tăng giá từ từ.

“Năng lực sản xuất thép tại Malaysia lớn hơn Việt Nam, trong khi mức tiêu thụ lại thấp hơn, nên họ dư thừa thép và phải tìm cách xuất khẩu. Hiện có tình trạng thép từ Malaysia nhập khẩu vào các tỉnh phía Nam do vận chuyển bằng đường biển gần hơn rất nhiều và có thuế suất thuế nhập khẩu là 0% để cạnh tranh về giá với thép trong nước”, ông Cường cho biết.

Chia sẻ nhận định này, ông Thái cũng cho hay, nhập khẩu thép xây dựng từ ASEAN về Việt Nam hiện phải chịu thuế suất 5%, nhưng không hiểu vì lý do gì mà có những lô hàng thép xây dựng khi nhập khẩu chỉ có mức thuế 0%. Điều này có thể do hàng được trộn với các chủng loại thép khác như thép que hàn, thép 0% carbon... Thép nhập từ Malaysia được bán trên thị trường nội địa hiện có giá rẻ hơn 300.000 - 400.000 đồng/tấn (tùy áp lực thu hồi vốn của người bán). Ông Thái cho hay, thép giá rẻ dễ được các công trình ngoài, công trình tư nhân chấp nhận, còn các công trình lớn của Nhà nước lại thích thép “nội” hơn.

Ngoài Malaysia, các doanh nghiệp thép nội hiện còn e ngại trước sự thâm nhập của thép Thái Lan. Và trên hết là câu chuyện thép Trung Quốc giá rẻ đi vòng, mượn mác ASEAN để nhập vào Việt Nam.

Nguồn: Baodautu.vn

ĐỌC THÊM