Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép, gas tăng quá cao

Nhiều hãng sản xuất thép đang lãi gần cả triệu đồng/tấn; các đại lý gas được hưởng mức hoa hồng cao chót vót nhờ cuộc chiến giành giật đại lý của các hãng gas

 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Theo đó, các địa phương cần tổ chức ngay các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai, niêm yết giá... Trong đó cần phải quyết liệt bình ổn giá các mặt hàng nhạy cảm như sắt thép, xi măng, khí hóa lỏng (gas), phân bón, đường, sữa, thuốc chữa bệnh... Tuy nhiên, trên thị trường những tuần lễ gần đây, hàng loạt mặt hàng lại đua nhau tăng giá, trong đó đáng báo động nhất là các mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, gas...


Giá thép xây dựng là một trong những mặt hàng đang tăng mạnh. Ảnh: H. Thúy

Tăng kiểu gây sốc


Tại thị trường TPHCM, giá cả nóng nhất hiện nay là mặt hàng thép xây dựng. Theo nhiều nhà thầu xây dựng, chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép xây dựng bán đến tay người tiêu dùng đã tăng từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/tấn, tùy loại thép cây hay thép cuộn. Một số đại lý kinh doanh sắt thép xây dựng cho biết: Sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá, đến thời điểm này, giá thép cây của Tổng Công ty Thép VN bán cho các đại lý đã lên 13,37 triệu đồng/tấn (nếu có thuế là 14,707 triệu đồng/tấn), thép cuộn lên 13,27 triệu đồng/tấn (có thuế là 14,594 triệu đồng/tấn).

Giá thép của Pomina và một số hãng khác cũng tương tự. Riêng giá thép của Vina Kyoei vẫn còn bán giá cũ, 12,59 triệu đồng/tấn thép cây và 12,24 triệu đồng/tấn thép cuộn (giá chưa tính thuế). Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết tuần sau sẽ điều chỉnh giá tương đồng các hãng khác, theo đó mỗi lần sẽ tăng từ 200.000 đồng- 300.000 đồng/tấn để “bớt sốc thị trường”. Còn trên thị trường, giá thép của tất cả các thương hiệu lớn đều đã vọt lên 15 triệu đồng/tấn...


Các nhà sản xuất giải thích: Dù giá thép đã tăng cao nhưng tính ra mức tăng mới đủ bù đắp cho chi phí điện, nước, nhiên liệu tăng, chưa kể mức tăng của giá phôi thép nguyên liệu... Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một đại diện Hiệp hội Thép VN khẳng định giá điện tăng 6,8% chỉ làm cho giá thành mỗi tấn thép tăng thêm khoảng 60.000 đồng, cộng chi phí nhiên liệu cũng chỉ tăng khoảng 30.000 đồng. Nếu tính cả giá phôi tăng 15 USD - 20 USD/tấn, tính ra chi phí sản xuất cũng chỉ tăng khoảng 400.000 đồng- 500.000 đồng/tấn. Chưa kể hiện đa số các DN đang sản xuất từ nguồn nguyên liệu phôi thép đã nhập giá rẻ trước đó và nguồn phôi thép này của nhiều DN vẫn đủ sản xuất cho đến hết tháng 4.


Một DN sản xuất thép có uy tín cũng tiết lộ thời điểm này các nhà máy sản xuất thép vẫn đang sản xuất từ nguồn nguyên liệu phôi thép nhập khẩu trước đó với giá khoảng 530 USD/tấn, tức giá thành 1 tấn thép chỉ 12,6 triệu đồng. Với giá bán hiện nay, nhiều hãng đang lãi gần cả triệu đồng/tấn. DN này cũng khẳng định ngay cả khi giá phôi thép lên đến 600 USD/tấn thì giá thành sản xuất một tấn thép cũng chỉ 13,7 triệu đồng/tấn...


Giá thép tăng rất cao trong vòng một tháng qua. Ảnh: T.THẠNH

Lãi hơn 4.000 đồng/kg gas


Một mặt hàng cũng đang gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng là mặt hàng gas. Giá gas giao tháng 3 trên thị trường thế giới đã giảm 12,5 USD/tấn so với tháng trước, còn 722,5 USD/tấn. Đúng ra trong tháng 3, các hãng gas trong nước phải giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng nhưng họ lại điều chỉnh giá bán tăng 4.000 đồng/bình

12 kg với lý do “tỉ giá USD tăng cao”. Gần đây, các công ty kinh doanh gas đã có thêm nguồn gas mới từ Nhà máy Dung Quất (chiếm khoảng 20%) với giá bán rẻ hơn nguồn gas Dinh Cố đến 20 USD/tấn. Hiện giá gas trên thế giới cũng chỉ còn 702 USD- 703 USD/tấn, tức đang giảm hơn 20 USD/tấn so với đầu tháng 3, cho thấy khả năng giá gas giao tháng 4 sắp tới có thể rẻ hơn giá tháng 3 khá nhiều.


Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với những thuận lợi trên lẽ ra các hãng gas phải giảm giá bán lẻ ít nhất cũng phải gần chục ngàn đồng/bình. Thế nhưng người tiêu dùng đã không được hưởng, ngược lại giá bán lẻ còn tăng thêm như nói trên. Nguyên nhân là do sau khi quy định mới về kinh doanh khí hóa lỏng có hiệu lực, các hãng gas hiện đang chạy đua giành giật đại lý bằng cách tăng hoa hồng cao. Hiện giá gas của các hãng lớn giao cho đại lý chỉ khoảng từ 230.000 đồng- 235.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá công bố bán lẻ của họ lên đến 275.000 đồng- 285.000 đồng/bình, tức các đại lý được hưởng mức hoa hồng lên 40.000 đồng- 55.000 đồng/bình.

 

Tăng cường kiểm soát giá


Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giá điện, nước, than, cộng với giá xăng dầu tăng dồn dập vào đầu tháng 3 đã ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá chung, đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Một số đơn vị sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình này đẩy giá tăng vô tội vạ gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Để giá hạ phải tổ chức lượng hàng phong phú và dồi dào, kể cả biện pháp nhập khẩu nếu cần thiết. PGS-TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu là rất cần thiết. Trước đây, chúng ta cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra giá cả của một số mặt hàng nhưng kiểm tra xong rồi cũng chẳng thấy xử lý nên hiệu quả không cao. Cần phải có các biện pháp mạnh tay hơn và kiểm tra thường xuyên mới hy vọng đạt kết quả tốt. Ngoài ra, cần phải có chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước bằng nguồn vốn, lãi suất ưu đãi, chính sách thuế...

nld

ĐỌC THÊM