Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép - cần tránh gây "sốc" cho thị trường

Bắt đầu từ hôm nay (1/4), một mặt bằng giá nguyên liệu mới được áp dụng cho tất cả các quốc gia sản xuất thép. Hiệp hội Thép cho biết doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bình ổn thị trường.

(Chinhphu.vn)

Giá phôi thép nhập khẩu tăng cao khiến giá thép tăng cao. Ảnh: Chinhphu.vn

Giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng cao…

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mới đây nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới - Australia (chiếm 75% trữ lượng quặng thế giới) vừa tuyên bố sẽ tăng giá quặng từ 40-50% (từ hơn 80 USD lên 140-150 USD/tấn) so với năm 2009 và chỉ bán theo quý chứ không ký hợp đồng dài hạn để tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%. Giá gang luyện thép cũng tăng cao. Bắt đầu từ hôm nay (1/4), một mặt bằng giá nguyên liệu mới được áp dụng cho tất cả các quốc gia sản xuất thép.

Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá phôi nhập khẩu hiện đã tăng hơn 40%. Đến cuối tháng 3, giá phôi đã tăng từ 580 lên 614USD/tấn. Như vậy, giá nhập khẩu phôi tháng 3 tăng 70-80USD/tấn so với tháng 2 và tăng 115-130USD/tấn so với tháng 12/2009. Mặc dù từ cuối năm 2009, một số lò điện đi vào hoạt động đã giúp ngành Thép tự chủ được hơn 60% (3 triệu tấn) nhu cầu phôi cho sản xuất trong nước nhưng Hiệp hội Thép dự báo năm nay ngành Thép vẫn sẽ phải nhập 2 triệu tấn phôi (năm 2009 là 2,4 triệu tấn) cho nhu cầu sản xuất trong nước.

Giá phế nhập khẩu cũng tăng hơn 70% (tăng từ 60 đến 80USD/tấn so với tháng 2). Đến thời điểm này là 430-460USD/tấn. Lý giải nguyên nhân cho tình trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Thép Phạm Chí Cường cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu sử dụng thép tăng cao. Hầu hết các nước đều tập trung đẩy mạnh thị trường trong nước nên việc xuất khẩu nguyên liệu bị hạn chế. Đó chính là nguyên nhân làm cho giá phế tăng quá nhanh trong thời gian ngắn. Cũng theo ông Cường, việc tăng giá điện thực chất không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất thép. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 6,8% thì chi phí phát sinh chỉ từ 30-60.000 đồng/tấn.

  …khiến giá thành sản phẩm trong nước tăng theo

Trong khi đó, chúng ta không sản xuất được than cốc, do vậy ngành sản xuất thép phụ thuộc 80% vào phôi và thép phế. Việc nguyên liệu đầu vào tăng giá đồng loạt từ 60-80% trong thời gian qua khiến nhà sản xuất phải tăng giá phép thành phẩm trong nước nhiều lần và tăng cao từ đầu năm đến nay. Hiện giá thép xuất xưởng tại các nhà máy là 13,5 triệu đồng/tấn + VAT 10% sẽ lên gần 15 triệu đồng/tấn.

Khác với xăng dầu, gas đã là thành phẩm, DN nhập khẩu và bán chứ không phải qua chế biến, gia công và có thể lưu trữ một khoảng thời gian thì phôi, phế thép nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép. Với đặc thù của ngành Thép là tái sản xuất liên tục, nguyên liệu nhập khẩu đưa vào sản xuất trong thời gian ngắn chứ không thể lưu kho lâu ngày do nguy cơ đọng vốn và tốn kém chi phí lưu kho (phôi, phế nhập về cho sản xuất có khối lượng rất lớn).

Nhà sản xuất nhập về phải đưa ngay vào sản xuất, xuất xưởng bán nối sản phẩm của tháng trước để có tài chính tiếp cận với giá phôi, phế mới cho mẻ sau. Do vậy DN sản xuất thép không nhập nhiều nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian dài mà chỉ ngắn hạn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 480.000 tấn phôi tại các bến bãi, chỉ vừa đủ cho sản xuất tháng tới. Trong khi đó, Hiệp hội Thép dự báo giá phôi sẽ tiếp tục tăng thêm 100 USD/tấn trong thời gian ngắn tới đây. Nếu DN bán sản phẩm với giá thấp sẽ không mua được phôi giá cao. Do đó, “Ngành Thép không thể bán sản phẩm của tháng 3 với giá phôi của tháng 2 vì như vậy sẽ không đủ tài chính để tiếp tục mua phôi của tháng 4 để tái sản xuất trong tình hình giá phôi thế giới tiếp tục tăng như hiện nay”, ông Cường khẳng định.

Ngành Thép hiện có hơn 30 đơn vị sản xuất, trong đó hơn một nửa hiện đang rơi vào tình trạng lỗ, một số mấp mé phá sản. Tất nhiên vẫn có DN làm ăn có lãi như Hòa Phát, Thép Việt. Tuy nhiên nhiều DN lớn vẫn tiếp tục chịu lỗ nặng từ năm 2008 đến nay.

DN cần chia sẻ với Nhà nước và cộng đồng

Theo kết luận của Tổ điều hành thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng thép của thế giới có xu hướng tăng mạnh trở lại nên giá nguyên liệu sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm và giá thép sẽ khó giảm trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ thép (năm 2008 là 8,7 triệu tấn, 2009 11,7 triệu tấn, dự báo năm 2010 sẽ tăng thêm 10-15%). Trong hoàn cảnh giá thép có thể còn tăng, DN không muốn bán nhiều vì nếu bán hết thép, trong kho sẽ không có sản phẩm gối đầu cho các đại lý vào tháng sau. Hiện trung bình 1 DN có 200.000 tấn tồn kho, bằng một nửa lượng tiêu thụ trong tháng, ông Cường đánh giá “đây là con số tồn kho mỏng”. Tháng 3, thị trường trong nước tiêu thụ ở mức trung bình cao, khoảng 450.000 tấn và thị trường không thiếu thép.

Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Thép cho biết DN vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bình ổn thị trường như không để thiếu thép, không đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Còn chuyện tăng giá thép hiện nay là bất khả kháng.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng khuyến cáo: DN khi tăng giá bán cũng không thể tăng một lúc 2,4 triệu đồng/tấn (mức giá được coi là đủ để bù cho chi phí sản xuất) mà phải tăng nhiều lần, tăng dần dần. Thị trường cũng khó chấp nhận mức giá tăng quá cao trong thời gian ngắn DN đưa ra.

 Ông Cường cũng khuyến nghị các nhà quản lý có dự báo thường xuyên để định hướng người tiêu dùng và để tránh gây “sốc” cho thị trường. Bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ các DN sản xuất và kinh doanh thép để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, lợi dụng để tăng giá.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương), Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân cũng nhận định việc kiềm chế tăng giá thép vào thời điểm này là khó khăn. Song chính trong thời điểm này DN nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Các DN tư nhân cần phát huy tinh thần yêu nước, chia sẻ khó khăn với nhà nước và cộng đồng để giữ cho giá thép không tăng đột biến, góp phần cùng với Nhà nước chung tay giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đang có nguy cơ gia tăng.

Đồng thời DN nên tiếp tục hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm chi phí đổi mới công nghệ, tăng năng xuất để giảm giá thành sản phẩm.

ĐỌC THÊM