Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá sắt thép nhập khẩu trong tháng 5/2010 tăng so với cùng kỳ

Sản lượng thép toàn cầu trong tháng 5/2010 đã tăng 29% so với cùng kỳ năm 2009 và vượt mức sản lượng ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế làm giảm nhu cầu thép. Trong tháng 5/2010, sản lượng thép tại 66 nước thành viên Hiệp hội thép toàn cầu đã đạt 124 triệu tấn, tăng 96 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng. Nền kinh tế đang phát triển nhanh của Trung Quốc là nguyên nhân chính tạo nên sự gia tăng này, với sản lượng thép ở riêng nước này là 56 triệu tấn, tăng 20,7% trong vòng 12 tháng qua. Trong khi đó, Nhật Bản, nước sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, sản xuất được 9,7 triệu tấn, tăng 50%. Sản lượng thép của Mỹ tăng 73,8%, lên 7,2 triệu tấn. Các nhà máy sản xuất thép của Đức cũng có sự hồi phục ngoạn mục với sản lượng tăng 78,7%, đạt 4,1 triệu tấn. Dự báo giá thép thế giới tiếp tục tăng.

Giá nhập khẩu sắt thép tháng 5/2010 của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 4,0% so với tháng trước và tăng tới 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá các nhóm hàng sắt thép nhập khẩu tháng 5/2010 nhìn chung tăng so với tháng 4/2010.

Nhóm hàng sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng (cán nóng) rộng trên 600mm, chưa phủ mạ hoặc tráng (HS 72.08) - nhóm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất tháng 5/2010, giá tăng 5,4% so với tháng 4/2010 và tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2009. Trong nhóm này, mặt hàng sắt thép dạng cuộn, dày dưới 3mm (HS 72.08.39) có kim ngạch cao nhất và giá nhập khẩu mặt hàng này tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 46,4% so với tháng 5/2009. Trung Quốc là thị trường cung cấp chính mặt hàng này với kim ngạch đạt 75 triệu USD (CIF), đơn giá trung bình ở mức 651 USD/tấn (CIF); đơn giá trung bình mặt hàng này được nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản ở mức 659 USD/tấn. Mặt hàng sắt hoặc thép dạng cuộn, dày từ 3mm đến dưới 4,75 mm đã ngâm tẩy gỉ (HS 72.08.26) là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 trong nhóm này, giá nhập khẩu tăng 4,7% so với tháng 4/2010 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2009; đơn giá trung bình nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc ở mức 650 USD/tấn (CIF), từ Nhật Bản ở mức 688 USD/tấn (CIF).

Nhóm phôi thép (HS 72.07) vẫn tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao trong tháng 5/2010, giá tăng thêm 0,2% so với tháng 4/2010 và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2009. Mặt hàng phôi thép có mặt cắt hình vuông (C<0,25%) (HS 72.07.11) giá tăng 7,8% so với tháng 4/2010 và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2009; giá nhập khẩu từ thị trường Thái Lan ở mức 553 USD/tấn (CIF), từ thị trường Malaysia ở mức 567 USD/tấn (CIF).

Mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao tiếp theo phải kể đến thép không gỉ, cán phẳng, rộng trên 600mm (HS 72.19), giá tăng 4,4% so với tháng 4/2010 và tăng 19,3% so với tháng 5/2009. Trong đó, mặt hàng thép cán nóng, dạng cuộn, dày từ 3mm đến dưới 4,75 mm (HS 72.19.13) là mặt hàng nhập khẩu chính trong tháng, nhưng giá lại giảm 2,3% so với tháng 4/2010 và tăng 27,2% so với tháng 5/2009; đơn giá trung bình từ thị trường Ấn Độ đạt 1.341 USD/tấn (CIF), tại thị trường Hoa Kỳ ở mức 1.937 USD/tấn (CIF). Mặt hàng thép cán nóng, dạng cuộn, dày dưới 3mm (HS 72.19.14) trong tháng 5/2010 có giá nhập khẩu tăng 10,9% so với tháng 4/2010 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2009; đơn giá trung bình từ Nhật Bản ở mức 1.354 USD/tấn (CIF), từ Trung Quốc ở mức 1.506 USD/tấn (CIF).

Trong tháng 5/2010 chỉ có mặt hàng thép không gỉ dạng dây (HS 72.23) giá nhập khẩu giảm 2,9% so với tháng 4/2010 nhưng lại tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản ở mức 3.514 USD/tấn (CIF), tại thị trường Hàn Quốc ở mức 3.931 USD/tấn (CIF).

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép chính, giá nhập khẩu tăng 5,1% so với tháng 4/2010 và tăng 19,4% so với tháng 5/2009. Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 trong tháng 5/2010, giá nhập khẩu từ thị trường này tiếp tục tăng thêm 2,8% so với tháng trước và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vinanet

ĐỌC THÊM