Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá lên, nhà thầu phải lên theo

Vào thời điểm này, tổng công ty Thép Việt Nam bán cho các đại lý thép cây là 13,37 triệu đồng/tấn, cộng thuế là 14,707 triệu đồng/tấn; thép cuộn là 14,594 triệu đồng/tấn đã có thuế. “Hiện giá trên thị trường của các thương hiệu lớn đã lên gần 15,5 triệu đồng/tấn”, KS Nguyễn Văn Bắc, giám đốc công ty xây dựng Vietcity nói.

Theo hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến đầu tháng 3, lượng phôi thép dự trữ của các doanh nghiệp còn 430.000 tấn với mức giá nhập khoảng 500 USD/tấn. Cũng đầu tháng 3 giá phôi thế giới tăng 530 – 540USD/tấn. Dù phần lớn được sản xuất bằng phôi 500USD/tấn nhưng cứ phôi thép thế giới tăng, các công ty thép trong nước tăng giá bán. Chỉ riêng tháng 3.2010, các nhà sản xuất đã tăng giá bán gần 2 triệu đồng/tấn.

Nếu giá phôi thép nhập 530 USD/tấn thì giá thành thép cũng chỉ ở mức 12,6 triệu đồng/tấn, vậy người bán lãi cả triệu đồng/tấn, doanh ngiệp sản xuất thép cho biết, và nếu phôi có lên 600 USD/tấn thì giá thành sản xuất một tấn thép cũng chỉ ở khoảng 13,7 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay giá thép bán ra đã tăng 25%, đẩy giá thành công trình lên từ 5 – 7%. Giới xây dựng cho hay, giá thép chiếm khoảng 20% trên tổng giá trị đầu tư cho công trình phần thô. KS Bắc cho biết, khi nghe rục rịch tăng giá, công ty đã đặt mua đủ thép cho các hợp đồng xây dựng đã ký và phải thanh toán tiền hoàn tất, từ ngày 24.3 giá đã 14,5 triệu đồng/tấn.

Trước tình hình thép tăng giá liên tiếp, KS Nguyễn Văn Nở, giám đốc công ty xây dựng K.X nói: “Tuần rồi thép tăng tới ba đợt và bạn hàng cho biết tháng 4 này còn lên nữa”. Với công ty xây dựng Kim Minh thì thảnh thơi hơn nhờ “thương lượng được hết” như lời KS Võ Đức Dũng, giám đốc công ty. Tuy nhiên, các đơn vị đang thi công cho hay, có tình trạng gọi hàng không có, lượng bán nhỏ giọt. Các công ty xây dựng cho rằng, thường các nhà sản xuất ngưng sản xuất và cứ không mua được thép hay khan hiếm “giả” trong vòng một tuần trở lại, sau đó là tăng giá bán!

KS Bắc cho biết, đã nhiều trường hợp nhà thầu không đủ tiềm lực, gặp phải những trường hợp tăng giá như thế này bèn “bỏ chạy” vì không có điều khoản thương lượng trong hợp đồng, không thể thoả thuận. Hoặc cũng nhiều trường hợp do giá vật tư tăng nhanh nhà thầu phải “luồn lách” để... bù đắp, ví dụ, sơn tường không trét bột máttít, đổi chủng loại gạch chất lượng thấp hơn, thép cuộn đường kính 6 – 8 thì đưa hàng “tổ hợp” kém chất vào... làm công trình mau... bệ rạc.

SGTT

ĐỌC THÊM