Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

ECB cảnh báo nguy cơ bất cân bằng kinh tế toàn cầu

Trong một bài viêt được đăng tải trên chuyên san hàng tháng của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) số ra hôm thứ Năm (15/04), ECB lên tiếng cảnh báo rằng, sự biến dạng của kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra có nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng và tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục kinh tế trên toàn thế giới.Với một giọng điệu có phần gay gắt, ECB cho biết, ngân hàng này lo sợ rằng chính phủ các nước vẫn chưa làm hết sức để đưa kinh tế toàn cầu trở về con đường phục hồi bền vững, mặc dù các nước đã tung ra hàng loạt chính sách kích thích ra trong năm 2009 vừa qua.

Trong bài viết này, ECB nhận định: "Vào thời điểm hiện tại, sự bất cân bằng toàn cầu có nguy cơ sẽ tiếp tục gây ra nhiều rủi ro cho tình hình kinh tế vi mô cũng như sự ổn định tài chính thế giới..."

Bài báo cũng đồng thời bày tỏ sự lo ngại của ECB về sức phục hồi của nền kinh tế. Bình luận về sự phát triển kinh tế toàn cầu, bài báo đưa ra kết luận rằng sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Mỹ cần có sự đóng góp quan trọng từ sự phục hồi của thị trường lao động nước này.

Tuy nhiên, ECB tỏ ra khá dè dặt đối với cuộc chiến tiền tệ Trung - Mỹ. ECB cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế của cả 16 quốc gia trong khu vực eurozone "vẫn duy trì chặt chẽ với sự cân bằng bên ngoài", mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng tình trạng thặng dư thương mại của Đức - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - sẽ kìm hãm viễn cảnh tăng trưởng các nền kinh tế còn lại trong khu vực.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ vào tháng 8/2007, lo ngại về sự bất cân bằng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là trước tình trạng thâm hụt tài khoảng vãng lai của Mỹ, đi kèm với nó là thặng dư thương mại Trung Quốc đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Báo cáo của ECB chỉ ra rằng, tác động mà những sự bất cân bằng này gây ra đối với khủng hoảng tài chính vẫn còn là một đề tài tranh luận nóng hổi giữa các chuyên gia kinh tế, tuy nhiên, tất cả đều thống nhất rằng những tác động đó "đã và đang đặt ra nhiều nguy cơ lớn đối với kinh tế toàn cầu."

Sự bất cân bằng giữa các nền kinh tế thế giới có vẻ như đã thu hẹp lại kể từ khi khủng hoảng bùng nổ. Tuy nhiên, ECB tin rằng khuynh hướng này chỉ là tạm thời. Các nhân tố mang tính chất chu kỳ dẫn tới sự thu hẹp bất cân bằng kinh tế trong thời gian qua, ví dụ giá cả dầu mỏ và một số loại hàng hóa trên các thị trường giao dịch thế giới, đã bắt đầu thay đổi. Cùng lúc, các yếu tố góp phần duy trì sự bất cân bằng kinh tế vẫn còn hiện diện. Có thể kể tới các nguyên nhân dễ thấy nhất như sự thiếu hụt "mạng lưới an toàn xã hội" tại các nước đang phát triển Châu Á cũng như kỳ vọng muốn có được nguồn dự trữ khổng lồ để đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Thêm vào đó, sự khác biệt trong tỷ lệ tăng trưởng cũng được mở rộng, nhất là khi các nước mởi nổi trở thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ECB cho biết thêm.

Trong số các chính sách đã được áp dụng để chỉnh đốn lại sự bất cân bằng kinh tế toàn cầu, ECB đặc biệt đánh giá cao hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Pittsburgh hồi tháng 9/2009. Tham dự hội nghị, lãnh đạo các nước G20 đã cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự cân bằng của tài khoản vãng lai các quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, báo cáo cũng không quên nhắc lại kết quả hội đàm đa phương về sự bất cân bằng kinh tế toàn cầu diễn ra những năm 2006 - 2007. Mặc dù các quốc gia tham dự cũng đã đưa ra những cam kết hùng hồn song sau cuộc họp, những cam kết này "không được các nền kinh tế liên quan thực hiện một cách triệt để."

FT

ĐỌC THÊM