Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép: Hưởng lợi "kép" từ kích cầu

Với các chính sách kích cầu của Chính phủ, nhiều DN ngành thép đã được lợi đơn, lợi kép khi vừa bán được hàng tồn, vừa tăng được giá.

 Với chính sách kích cầu của Chính phủ thời gian qua, lượng thép bán ra của các DN thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong 8 tháng đã tăng 22,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng nói là, đang có tình trạng DN lợi dụng để hưởng lợi "kép", khi cùng với chính sách kích cầu của Chính phủ, việc điều chỉnh tăng giá thép để bù lỗ của năm 2008 đã được thực hiện tại một số DN.

Giá bán thép trong tháng 8/2009 đã tăng 250.000 - 300.000 đồng/tấn so với tháng 7/2009; một số công ty đã điều chỉnh giá thép tới 2-3 lần trong tháng. Mặc dù có nguyên nhân là do giá thép phế và phôi thép đầu vào tăng 30-40 USD/tấn so với tháng 7/2009, cũng như có sự điều chỉnh của giá xăng dầu và tỷ giá giữa VND và USD, nhưng VSA cũng cảnh báo về dấu hiệu tăng giá "ăn theo".

“Nguyên nhân nữa là một số công ty thép do ảnh hưởng thua lỗ năm 2008 vẫn tiếp tục phải gánh sáng năm 2009, nên đã cố gắng điều chỉnh giá để cải thiện tình hình tài chính của công ty”, VSA nhận xét. Thống kê từ thị trường cũng ghi nhận, từ đầu năm tới nay, đã có tới 10 lần giá thép được điều chỉnh theo hướng lần sau cao hơn lần trước.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, nhờ tác động từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ nên hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở nông thôn, nhà ở sinh viên... đã được khởi động, đẩy nhu cầu thép tăng cao, hướng tới mục tiêu kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước.

Không chỉ có vậy, hàng loạt chính sách tài chính như tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%; thép xây dựng từ 12% lên 15%; thép hợp kim chứa thành phần Bo dùng làm thép xây dựng cũng tăng từ 0% lên 10%; biện pháp kịp thời ổn định tỷ giá giữa VND và USD; điều chỉnh chính sách ưu tiên cung cấp ngoại tệ cho nhập khẩu phôi thép và thép phế cũng đã được Chính phủ và các cơ quan hữu trách thực thi với mục đích tạo điều kiện cho các DN sản xuất.

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có mức lợi nhuận sau thuế quý I/2009 là 385 tỷ đồng và quý II/2009 là 396 tỷ đồng. Theo lý giải ngày 20/7/2009 của Tập đoàn Hòa Phát với ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tăng trưởng 28% lợi nhuận sau thuế của quý II/2009 so với quý II/2009 thì mảng kinh doanh về thép và các sản phẩm thép có lợi nhuận sau thuế tăng 17%; các mặt hàng khác đóng góp 11% vào mức tăng lợi nhuận sau thuế này.

Còn với Công ty cổ phần thép Việt ý (VIS), báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh quý II/2009 cho thấy sản lượng và mức tiêu thụ trong quý lI/2009 đạt 35-36% kế hoạch năm, tăng 33% so với quý I/2009, nhưng lợi nhuận sau thuế của quý II đã đạt 465% so với kế hoạch năm và đạt 1.000% so với quý I/2009.

Bảng thống kê số lượng thép tiêu thụ của các DN thành viên VSA trong riêng tháng 8/2009 cũng có mức tăng trưởng đáng kể. Công ty Vinakyoei với mức tiêu thụ đạt 1.157% so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty Nasteelvina đạt l.194%; Tổng công ty Thép Việt Nam đạt 1.032%; Công ty Vinausteel đạt 684%, Công ty thép SSE đạt 683%, Công ty Thép Hòa Phát đạt mức tăng trưởng 288,9%.

Đáng chú ý là tháng 8 dương lịch có một nửa tháng thuộc vào tháng 7 âm lịch, được xem là "tháng cô hồn" và thuộc mùa mưa, nên lẽ ra mọi công việc mua bán cũng như thụ thép phục vụ cho xây dựng thường bị chậm lại so với các thời điểm khác. Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện khác hẳn. Đó là chưa kể lượng thép tiêu thụ trong tháng 7/2009 trước đó còn cao hơn so với lượng tiêu thụ trong tháng 8/2009 ở đa số các DN với các tên tuổi như SSE, Hòa Phát, Pomina, Việt Ý, Gang thép Thái Nguyên.

"Kịch bản tăng trướng tiêu thụ 5% so với năm ngoái giờ đã được thay thế bằng con số trên 20%", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA nhận xét. Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cũng thừa nhận, hiệu quả của chính sách kích cầu của Chính phủ đã nhìn thấy rõ ở cả hai khía cạnh với DN sản xuất thép. Đó là tiêu thụ được thép nhiều hơn và vay được tiền với lãi suất thấp để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất.

(Stox.vn)

ĐỌC THÊM