Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp sản xuất phôi thép gặp khó

 Các doanh nghiệp sản xuất phôi thép đang lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn khi xuất khẩu phôi thép đang đình trệ do bị áp mức thuế lên tới 20%.

Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp (DN) sản xuất phôi thép vừa kiến nghị giảm thuế xuất khẩu (XK) phôi thép xuống còn 10%, đồng thời cũng kiến nghị, cần có chính sách tài chính ưu đãi đối với các nhà sản xuất phôi thép, nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn, tạo thuận lợi cho DN và tăng sản lượng thép tiêu thụ trong nước. Lý do là, nhiều DN sản xuất phôi thép trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, khó khăn của DN sản xuất phôi thép trong nước đang gặp phải là, việc tiêu thụ thép những tháng gần đây đã chững lại vì Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư công, cắt giảm các dự án không hiệu quả, chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng, lãi suất cho vay tăng cao làm cho nhiều dự án phải đình hoãn hoặc kéo dài thời gian, nhiều công ty cán thép đã từ chối mua phôi thép sản xuất trong nước do tiêu thụ chậm. 

Bên cạnh đó, DN sản xuất phôi thép hiện đang gặp phải khó khăn về chính sách thuế XK của Bộ Tài chính. Để hạn chế XK phôi thép, ngày 28/6/2008 vừa qua, Bộ Tài chính đã tăng thuế suất thuế XK phôi thép từ 2% lên 10%, nhưng từ ngày 10/8/2008 đã tăng tiếp từ 10% lên 20%. Lượng phôi thép XK đã giảm đáng kể trong thời gian qua, cụ thể, nếu như trong tháng 6/2008 XK được hơn 305 ngàn tấn, thì trong tháng 7/2008 chỉ XK được 12 ngàn tấn phôi thép. Trong khi đó hiện giá phôi thép ở thị trường thế giới có xu hướng giảm nhanh, chỉ chưa đầy một tháng đã giảm 25% và đang có chiều hướng tiếp tục giảm.

Theo ông Cường, các DN sản xuất phôi thép cũng đang thiếu vốn lưu động trầm trọng vì không bán được phôi trong nước, trong khi đó, muốn XK thì phải chịu thuế suất quá cao, nên không thể cạnh tranh được với giá phôi thép chào bán của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Ông Đỗ Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đình Vũ cho rằng: “DN sản xuất phôi thép XK bị ràng buộc bởi hàng rào thuế quan và các hạn ngạch với thuế suất thuế xuất khẩu cao (20%), dẫn đến lượng tồn kho lớn, nên không có vốn để quay vòng. Đối với DN chúng tôi, mức lãi suất cao của hàng tồn kho cũng là bài toán không thể có lời giải”.

Được biết, tình hình nguyên liệu và thành phần tồn kho ở các DN sản xuất phôi thép hiện nay là rất lớn, như Công TNHH Vạn Lợi có hàng hóa tồn tương đương khoảng 700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép Đình Vũ tồn 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kim khí Hưng Yên tồn khoảng 200 tỷ đồng… Hàng tồn kho lớn như vậy, mà hàng tháng mỗi một DN sản xuất phôi thép vẫn phải trả các khoản chi phí cho lãi vay ngắn hạn và dài hạn, tiền điện, tiền lương công nhân… như khi hàng bán chạy.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi cho biết: “Do chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng, các DN sản xuất phôi thép không đủ nguồn vốn để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, cộng thêm vào đó là giá cả nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao, nên tình hình tài chính của DN gặp bế tắc không có cách giải quyết. Nếu không có biện pháp tháo gỡ và tìm cho mình lối thoát, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng các DN sản xuất phôi thép buộc phải đóng cửa nhà máy và có nguy cơ phá sản”.

Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, tới nay tình hình thị trường thép thế giới và trong nước đã thay đổi, giá phôi thép đã hạ nhanh, tiêu thụ thép giảm. Vì vậy, để giải quyết khó khăn cho các DN sản xuất phôi thép trong nước, Bộ Tài Chính cần giảm thuế suất thuế XK phôi thép xuống còn 10% như tại thời điểm ngày 28/6/2008. Ngoài ra, Hiệp hội còn kiến nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu thành lập quỹ dự trữ phôi thép và giao Bộ Công thương thực hiện, để nhằm bình ổn giá thép trong nước khi giá phôi thép thế giới có biến động lớn.

                                                                                                                                                                                                  Đầu tư



ĐỌC THÊM