Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp đau đầu vì tỉ giá

Chi phí đầu vào tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải kìm giá sản phẩm vì lo ngại sức tiêu thụ sẽ bị suy giảm nếu giá cao

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang đau đầu không chỉ vì giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao mà tỉ giá USD thời gian gần đây liên tục leo thang khiến chi phí sản xuất tăng vọt. Nhiều ngày qua, giá USD chợ đen tăng, giảm đến cả chục lần khiến DN không biết phải tính toán như thế nào...

Khó trăm bề

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, cho biết giá nguyên liệu nhựa trên thị trường thế giới tăng 20%, cộng với tỉ giá tăng cao như hiện nay đã gây khó khăn rất nhiều cho các DN ngành nhựa. Đầu vào tăng mà đầu ra không dám tăng vì sức tiêu thụ nhiều tháng qua liên tục giảm do rơi vào mùa mưa cộng với áp lực cạnh tranh từ hàng nhập lậu.

Theo ông Trần Duy Hy, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, công ty phải nhập 100% nguyên liệu, trong khi ngân hàng lại bán USD theo giá thị trường nên DN thiệt đơn thiệt kép. “Trước tình hình này, chúng tôi đang tính đến phương án chuyển sang mua một phần nguyên liệu nhựa từ Nhà máy Dung Quất để giảm bớt chi phí” - ông Hy cho biết.

 

Giá USD tăng, các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn do phải nhập phôi thép. Ảnh: C.T.V

Nhiều DN sản xuất hàng gia dụng, thực phẩm chế biến cũng cho hay sức tiêu thụ trên thị trường thời gian gần đây suy giảm do giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao buộc người tiêu dùng phải giảm bớt mua sắm.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco, bức xúc: “Nguyên liệu sữa bột thế giới vừa tăng thêm 15%, lên 4.800 USD/tấn các nguyên liệu đường, dầu ăn đều tăng, kể cả bao bì cũng tăng đến 15% gây khó khăn cho nhà sản xuất nhưng DN chưa dám tăng giá vì lo ngại không bán được hàng”...

Nhiều DN còn than thở: Tỉ giá chênh lệch 5% - 7% nên không biết đưa vào sổ sách như thế nào để tính đúng, tính đủ. Nếu tính theo tỉ giá chính thức thì DN bị lỗ, còn tính theo tỉ giá thị trường tự do sẽ vi phạm pháp luật...

Xăng dầu, sắt thép... kêu cứu

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết đợt điều chỉnh tỉ giá cuối tháng 8-2010 đã làm đơn vị ông lỗ 400 tỉ đồng.

Nay giá xăng dầu thế giới đang tăng liên tục, tỉ giá USD cũng tăng cao, tính ra mỗi lít xăng dầu đã bị lỗ 1.600 đồng. Từ ngày 22-10, dù các DN xăng dầu đã được trích quỹ bình ổn 550 đồng/lít song tính ra vẫn còn lỗ hơn 1.000 đồng/lít.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, việc tìm mua được nguồn USD rất khó khăn. DN xăng dầu cũng chưa được ưu tiên mua USD theo tỉ giá chính thức mà vẫn phải đi vay ngân hàng. Mà đã đi vay thì phải trả lãi hằng tháng với số tiền không nhỏ... Đây đang là vấn đề nan giải đối với DN xăng dầu...

Ông Trần Minh Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), cho rằng giá xăng dầu thế giới tăng cao như hiện nay cộng với tỉ giá “nóng” đang làm cho đơn vị ông lỗ từ 30 tỉ - 40 tỉ đồng/tháng.

Nhiều DN kinh doanh xăng dầu than nếu tình trạng này còn kéo dài mà cơ quan chức năng không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì họ không thể nào cầm cự nổi. Theo các DN này, trong tình hình hiện nay, nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như cho phép tăng thêm quỹ bình ổn để bù đắp một phần cho DN xăng dầu...

Nhiều DN ngành thép cũng đang than vắn thở dài. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, nói: “Đầu tư cho ngành thép rất tốn kém, lúc thuận buồm xuôi gió cũng có chút lãi nhưng nay giá nguyên liệu phôi thép cao lại thêm tỉ giá tăng liên tục khiến các DN ngành thép lỗ nặng; mức lỗ phổ biến khoảng 900.000 đồng/tấn”. Vừa qua, nhiều DN ngành sắt thép phải điều chỉnh giá bán tăng 200.000 đồng/tấn..

Nguồn: NLD

ĐỌC THÊM