Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/7

 Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 19.207 tỷ đồng ra thị trường. Chốt tuần 27/7, VN-Index đóng cửa tại 935,52 điểm, tăng nhẹ 2,13 điểm (+0,23%) so với cuối tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua với tổng giá trị gần 408 tỷ đồng.

Tổng quan

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 4,46% so cùng kỳ năm trước, tăng 2,13% so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2018 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết các nguyên nhân khiến CPI tháng 7/2018 giảm là do giá gạo giảm 0,8% so với tháng trước; giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017 ở mức 385-395 USD/tấn, giảm từ 10-30 USD/tấn làm cho giá gạo trong nước giảm theo.

Ngoài ra, giá xăng dầu giảm 1,24% so với tháng trước do 2 đợt giảm giá ngày 22/6 và 23/7. Đồng thời, giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo quyết định của Bộ Y tế khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế giảm 7,58%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra CPI cơ bản, sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý (bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,41% so với cùng kỳ; bảy tháng đầu năm 2018 tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thị trường giá cả các tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát có nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 6/2018 và sau đó giảm dần xuống dưới mức 4% trong những tháng cuối năm 2018.

Đó là do giai đoạn cuối 2017 Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và vì vậy chỉ số lạm phát sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế được giữ nguyên trong những tháng cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong quý I/2018 cũng là nguyên nhân đẩy chỉ số CPI tăng cao hơn so với dự báo cuối năm 2017. Tuy nhiên, sức ép lạm phát các tháng cuối năm nay sẽ lớn hơn khi giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới, tỷ giá có xu hướng tăng...

Về thương mại, tháng 7/2018 ước tính cả nước nhập siêu 300 triệu USD, tính chung 7 tháng cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 ước tính đạt 19,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,6 tỷ USD, tăng 5,9%.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,47 tỷ USD, tăng 8,5%.

Tóm lược thị trường trong nước

Tuần từ 23-27/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng - giảm nhẹ tỷ giá trung tâm trong suốt 5 phiên. Chốt tuần 27/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.649 VND/USD, giảm nhẹ 11 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Khác với việc niêm yết cố định tỷ giá bán ra tuần trước đó, từ đầu tuần qua, tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.278 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh phiên đầu tuần qua sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng niêm yết tỷ giá bán, các phiên còn lại trong tuần đều biến động nhẹ. Chốt phiên cuối tuần 27/07, tỷ giá giao dịch ở mức 23.233 VND/USD, tăng mạnh 183 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục đà tăng mạnh của tuần trước đó. Kết thúc phiên cuối tuần 27/7, tỷ giá tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, với tỷ giá mua vào ở mức 23.380 VND/USD và tỷ giá bán ra đạt mốc 23.400 VND/USD.

Tuần qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong 2 phiên đầu tuần, sau đó đã giảm trở lại. Chốt phiên 27/7, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,16% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tuần 3,40% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 3,64% (+0,06 điểm phần trăm) và 1 tháng 3,94% (+0,16 điểm phần trăm).

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đối với USD chỉ tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 27/7 lãi suất không thay đổi so với cuối tuần trước đó ở cả 4 kỳ hạn, đứng ở mức: qua đêm 2,13%; 1 tuần 2,23%; 2 tuần 2,33% và 1 tháng 2,47%.

Với thị trường mở, tuần qua, sau khi dừng chào thầu vào 2 phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu tín phiếu lên mức 29.000 tỷ đồng trong 3 phiên cuối tuần với 3 kỳ hạn 28 ngày lãi suất 1,75%, phiên cuối tuần tăng lên mức 2,0%; 91 ngày lãi suất 2,25%, phiên cuối tuần tăng lên mức 2,75%; đồng thời phiên cuối tuần bổ sung kỳ hạn 140 ngày lãi suất 3,25%. Tuy nhiên, cả 5 phiên đều không có khối lượng trúng thầu.

Trong tuần có 3.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 58.081 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước tăng chào thầu trên kênh cầm cố lên mức 19.000 tỷ đồng trong tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%, có 17.000 tỷ đồng trúng thầu. Trong tuần có 993 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 19.207 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.

Đối với thị trường trái phiếu, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội tăng khối lượng gọi thầu lên 10.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Khối lượng dự thầu cao gấp 1,86 lần khối lượng cần huy động, song tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 43%.

Ngày 23/7, Ngân hàng Chính sách xã hội gọi thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh ở 3 loại kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Kết quả, Cơ quan này chỉ huy động được 150 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm với lãi suất 4,1% (+0,05 điểm phần trăm). Trong khi đó, 2 loại kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu.

Ngày 25/7, Kho bạc Nhà nước huy động được 3 loại kỳ hạn 7, 10 và 15 năm với tổng khối lượng 4.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ, cụ thể 7 năm 3,9% (+0,05 điểm phần trăm), 10 năm 4,48% (+0,02 điểm phần trăm) và 15 năm 4,78% (+0,02 điểm phần trăm). Các kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu.

Trên thị trường chứng khoán, mặc dù phiên cuối tuần đã khởi sắc trở lại nhưng thị trường vẫn có một tuần giao dịch cầm chừng khi 2 chỉ số không biến động quá lớn qua từng phiên. Chốt tuần 27/7, VN-Index đóng cửa tại 935,52 điểm, tăng nhẹ 2,13 điểm (+0,23%) so với cuối tuần trước đó. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,92 điểm (-1,78%) xuống mức 105,70 điểm.


VN-Index trong 3 tháng qua - Nguồn: VNDIRECT

Thanh khoản thị trường tuần qua ở mức trung bình với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng gần 4.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua với tổng giá trị gần 408 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Tin quốc tế

Trên thị trường tài chính quốc tế, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,1% trong quý II, cao nhất trong gần 4 năm qua. Mức tăng ấn tượng một phần đến từ việc Chính phủ tăng chi tiêu và hiệu ứng của kế hoạch cắt giảm thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi từ cuối năm 2017.

Tuy nhiên, còn có một lý do giúp nền kinh tế Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt này, đó là các doanh nghiệp Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là đậu tương sang thị trường Trung Quốc, trước khi hàng rào thuế quan đáp trả có hiệu lực vào đầu tháng 7.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo tác động tích cực từ xuất khẩu đậu tương có thể đảo ngược trong những quý tới và hiệu ứng từ các biện pháp tại khóa cũng sẽ nhạt dần. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong quá trình tiếp tục tăng lãi suất, cũng sẽ tạo thêm một rào cản nữa cho sự tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong kỳ họp tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thể hiện rõ quan điểm muốn thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng phải giữ ít nhất cho đến tháng 9/2019 và điều này gây thất vọng cho giới đầu tư.

Dữ liệu cũng cho thấy các hoạt động kinh tế trong tháng 7 đánh mất đà hồi phục được ghi nhận tháng trước đó. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, căng thẳng phần nào được xoa dịu sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được thỏa thuận cùng hướng tới việc không đánh thuế, không rào cản và không trợ giá đối với hàng hóa công nghiệp không thuộc diện tự động hóa.

Theo đó, Mỹ sẽ giải quyết vấn đề thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm của châu Âu, trong khi EU sẽ nhập khẩu nhiều khí đốt và đậu tương của Mỹ. Hai bên sẽ trì hoãn việc áp các mức thuế mới khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM