Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điểm lại thông tin kinh tế từ 2-6/7

 Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 12.790 tỷ đồng ra thị trường; điều chỉnh giảm mạnh niêm yết tỷ giá bán 1% so với trần tỷ giá và duy trì tại mức 23.050 VND/USD.

Tổng quan:

Trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng cao từ tuần trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường thông qua cả kênh truyền thông từ cấp cao nhất của ngân hàng đến việc can thiệp nghiệp vụ trên thị trường.

Vào đỉnh điểm, tỷ giá liên ngân hàng đã đạt mức cao nhất là 23.040 VND/USD, ghi nhận ngày 5/7, tăng 1,45% so với mức cuối năm 2017; tỷ giá trên thị trường tự do mua vào quanh mức 23.120 VND/USD, bán ra 23.150 VND/USD, tăng khoảng 1,90%. Đây là mức tăng mạnh, khi trong 2 năm trước đó, từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ giá VND/USD tăng chưa đến 1%.

Ngân hàng Nhà nước cũng như các chuyên gia tài chính đều cho rằng, diễn biến tỷ giá trong đợt điều chỉnh gần đây chịu tác động từ thị trường quốc tế, đặc biệt là tác động của sự tăng giá đồng USD do Fed tăng lãi suất; đồng thời, cũng phản ảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu ở các ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản; sự suy giảm của thương mại quốc tế so với dự báo ban đầu; chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - châu Âu, Mỹ - Canada và Mexico.

Theo dự đoán của giới phân tích, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm trở lại. Một số nước mới nổi có thể có những biến động về tỷ giá hối đoái và quay trở lại tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai.

Tỷ giá tăng nóng có thể gây bất ổn cho kinh tế, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán cũng chịu biến động khó lường…

Thứ nhất, do nền sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khoảng 60% trong tổng nhập khẩu là nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc thiết bị trên 30%, nhập khẩu tiêu dùng chỉ khoảng 7-8%; nền kinh tế phần lớn là nền kinh tế gia công, hàm lượng giá trị tăng thêm trong hàng xuất khẩu không cao. VND mất giá sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng…

Thứ hai, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đà tăng trên là những khoản nợ ngoại tệ của doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ ngoại tệ cao phải kể đến ngành dầu khí (PVN, PVT, GAS…), điện lực (EVN, NT2…), hàng không (HVN…), vận tải biển (VOS, VNA, VTO…), các đơn vị tham gia xây dựng hạ tầng… Với dư nợ lên đến hàng triệu USD, chỉ cần một biến động nhỏ của tỷ giá, khoản nợ chênh lệch của những đơn vị này đã lên đến hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá sẽ không có biến động lớn do lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, lãi suất đồng VND tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có triển vọng đầu tư tốt.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã đi những bước khá hợp lý để trấn an thị trường và ổn định tỷ giá. Đầu tháng 7, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ lưu tâm đến các động thái của Fed về lãi suất cũng như tác động của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường.

Tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nói rằng, nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 11 tỷ USD và dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên 63,5 tỷ USD; Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ, nguồn lực để can thiệp giữ ổn định tỷ giá và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngay sau đó, chiều 3/7, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có động thái can thiệp vào tỷ giá VND/USD. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh niêm yết giá bán USD ra thị trường, mức giảm 264 đồng so với trần tỷ giá, tương đương 1%, về 23.050 VND/USD, và được giữ cho đến cuối tuần qua.

Sau ba ngày đầu tiên NHNN chào bán ngoại tệ giá thấp, chưa có ngân hàng thương mại nào gửi đơn đăng ký mua khi tỷ giá giao dịch trên liên ngân hàng vẫn ở mức thấp hơn so với giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước; thị trường về cơ bản vẫn đang tự cân đối và điều tiết được cung cầu ngoại tệ.

Việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào biến động tỷ giá hối đoái với động thái điều chỉnh giá bán và bán ngoại tệ khi ngân hàng thương mại có nhu cầu nhằm bình ổn tỷ giá hối đoái đã có phản ứng tốt, hi vọng thị trường tài chính Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến lạc quan sau những tác động tiêu cực trước đó.

Tóm lược thị trường trong nước từ 2-6/7:

Tuần từ 2-6/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm nhẹ. Chốt tuần 6/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.638 VND/USD, giảm 12 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh niêm yết tỷ giá bán. Trong khi phiên đầu tuần, tỷ giá bán ra vẫn được niêm yết ở mức thấp hơn 20 đồng so với trần tỷ giá, từ phiên 3/7, tỷ giá bán ra được niêm yết giảm 1% so với trần tỷ giá (giảm 264 đồng) và duy trì đến cuối tuần tại mức 23.050 VND/USD.

Mặc dù có điều chỉnh giảm ngay sau phiên Ngân hàng Nhà nước giảm niêm yết tỷ giá bán, tỷ giá liên ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng của các tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 6/7, tỷ giá giao dịch ở mức 23.040 VND/USD, tiếp tục tăng 80 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng đều đặn qua các phiên. Kết thúc phiên cuối tuần 6/7, tỷ giá tăng 80 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch quanh mức 23.130 – 23.160 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tuần qua tiếp tục đà tăng của tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 6/7, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 1,03% (+0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 1,23% (+0,23 điểm phần trăm); 2 tuần 1,38% (+0,18 điểm phần trăm); 1 tháng 1,67% (+0,07 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tuần qua tiếp tục tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên cuối tuần 6/7, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,01% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,12% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 2,21% (+0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 2,37% (+0,04 điểm phần trăm).

Với thị trường mở, tuần qua, khối lượng tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước chào thầu đã giảm xuống mức 18.000 tỷ đồng, chia đều cho 2 kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày. Tổng khối lượng trúng thầu duy trì ở mức thấp với 7.510 tỷ đồng, trong đó phiên đầu tuần không có khối lượng trúng thầu. Cụ thể, kỳ hạn 28 ngày trúng thầu 6.010 tỷ đồng với lãi suất duy trì ở mức 1,25%; kỳ hạn 91 ngày trúng thầu 1.500 tỷ đồng với lãi suất cũng không thay đổi ở mức 1,85%.

Trong tuần, có 20.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 12.790 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 137.709 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%, nhưng không có khối lượng trúng thầu.

Đối với thị trường trái phiếu, trong tuần qua Kho bạc Nhà nước duy trì mức gọi thầu 7.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 6 loại kỳ hạn từ 5 – 30 năm. Mặc dù khối lượng dự thầu cao gấp hơn 2 lần khối lượng cần huy động, song chỉ có 2.810 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm trúng thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu 39%. Hai kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu.

Lãi suất trúng thầu tăng so với phiên đấu thầu trước, cụ thể kỳ hạn 5 năm giao dịch tại 3,45% (+0,35 điểm phần trăm), 10 năm 4,40% (+0,05 điểm phần trăm), 15 năm 4,70% và 20 năm 5,22% (+0,02 điểm phần trăm).

Trên thị trường chứng khoán, mặc dù đã hồi phục vào phiên cuối tuần, thị trường tuần qua vẫn tiếp tục tiêu cực khi có thời điểm 2 chỉ số đều nằm dưới những ngưỡng quan trọng là 900 điểm đối với VN-Index và 100 điểm đối với HNX-Index. Chốt tuần 6/7, VN-Index đóng cửa ở 917,51 điểm, giảm mạnh 43,27 điểm (-4,50%) so với cuối tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index giảm mạnh 5,47 điểm (-5,15%) xuống mức 100,70 điểm.

Thị trường vẫn trầm lắng với thanh khoản ở mức thấp, giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng trên 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần qua với tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Tin quốc tế:

Tâm điểm thị trường tài chính quốc tế tuần qua là diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 6/7, hai nước đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau, trong đó Trung Quốc cáo buộc Mỹ châm ngòi "cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế".

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư không lo ngại nhiều vì cho rằng giá trị hàng hóa bị áp thuế hiện mới ở mức thấp so với những lời cảnh báo được đưa ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp thuế đối với hơn 550 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - cao hơn toàn bộ giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2017.

Ngoài ra, báo cáo việc làm phi nông nghiệp tốt hơn kỳ vọng của Mỹ lấn át nỗi lo về xung đột thương mại leo thang với Trung Quốc.

Các hoạt động kinh tế của Anh hồi phục trong tháng 6, củng cố nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trương ương Anh BOE Mark Carney rằng, sự suy yếu của nền kinh tế trong thời gian qua chỉ là tạm thời do tình hình thời tiết không thuận lợi. Phát biểu này làm gia tăng kỳ vọng cho một đợt nâng lãi suất vào kỳ họp tháng 8.

Tại Úc, Ngân hàng Trương ương RBA quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ trong phiên họp 3/7 nhằm tiếp tục hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững và lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM