Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Để đánh giá đúng hiệu quả của khu vực FDI

 Cũng như các ngành nghề, lĩnh vực và khu vực kinh tế, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần được đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế - xã hội bằng các tiêu chí khoa học có liên quan đến chi phí và kết quả từng dự án, từng ngành, lĩnh vực và tring từng thời gian.

Tầm quan trọng

Nước ta đã có ba lần tổng kết hoạt động của khu vực FDI vào năm 2007 (20 năm), năm 2013 (25 năm) và năm 2019 (30 năm), qua đó đã đánh giá đóng góp to lớn của khu vực FDI vào gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế mới (chiếm khoảng 55% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu), tạo việc làm với mức thu nhập khá cao cho nhiều triệu lao động trực tiếp và lao động gian tiếp, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, thu ngân sách, thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát.

Tuy vậy, cả ba lần tổng kết đều chưa đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua các tiêu chí đo lường khoa học, do đó khi đề ra định hướng cũng chỉ đưa ra những chỉ dẫn chung về nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, mà không đề ra được các chỉ tiêu định lượng để chỉ đạo các ngành, địa phương thận trọng lựa chọn dự án FDI nhằm bảo đảm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn cho ngành và địa phương, đồng thời làm cơ sở đánh giá chính xác hoạt động của khu vực FDI của cả nước.

Hiệu quả đầu tư là phạm trù kinh tế biểu hiện quan hệ so sánh giữa kết quả của sử dụng vốn đầu tư với các chi phí bỏ ra để có các kết quả đó trong từng thời kỳ. Trên phạm vi kinh tế vĩ mô, hiệu quả đầu tư được thể hiện tổng hợp toàn bộ hoạt động đầu tư trong từng giai đoạn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của dân cư.

Hiệu quả đầu tư được phân theo các tiêu thức: 1) Theo lĩnh vực hoạt động có hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả an ninh và quốc phòng; 2) Theo phạm vi tác dụng của hiệu quả, có hiệu quả đầu tư từng dự án, từng ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế quốc dân; 3) Theo lợi ích có hiệu quả kinh tế của từng dự án gắn với lợi ích của nhà đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội của nước tiếp nhận đầu tư.

Hiệu quả sử dụng vốn FDI là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định thực hiện dự án tại Việt Nam, do đó họ coi trọng thu thập thông tin có liên quan đến dự án, tìm đến địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi, chi phí thấp, thời gian thực hiện dự án nhanh. Do vậy, cơ quan nhà nước không nên can thiệp vào việc tính toán hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư bởi vì nó gắn liền với lợi ích của nhà đầu tư.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án FDI được nhà nước coi trọng khi thẩm định dự án để bảo đảm lợi ích của nước tiếp nhận vốn đầu tư. Nếu nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chủ yếu hiệu quả kinh tế, thì các ngành, địa phương cần chú ý cả hiệu quả kinh tế và xã hội để bảo đảm tăng trưởng với tốc độ hợp lý theo hướng kinh tế xanh, ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Lựa chọn dự án và địa điểm đầu tư có hiệu quả kinh tế là quyền của nhà đầu tư. Quyết định chọn nhà đầu tư thực hiện dự án FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội là quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Khi lợi ích của hai bên gặp nhau, hài hòa với nhau thì dự án FDI được chấp thuận và tiến hành thuận lợi.

Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả đầu tư

Khi thẩm định dự án FDI, cơ quan nhà nước Việt Nam cần thẩm tra hồ sơ dự án, bao gồm cách tính hiệu quả kinh tế của dự án để bảo đảm phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó cần lưu ý đến các chỉ tiêu như hệ số vốn tự có với vốn đi vay, có thể > hoặc < 1 tùy từng loại dự án, nhưng phải bảo đảm tiềm lực tài chính của nhà đầu tư để thực hiện dự án; hệ số vốn lưu động với nợ ngắn hạn phải > 1 tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, hệ số này càng lớn thì việc thực hiện dự án càng thuận lợi; hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR-Internal Rate of Return) để tính chuyển các khoản thu, chi của dự án về cùng mặt bằng thời gian thì tổng thu sẽ cân bằng với tổng chi, đây là chỉ tiêu quan trọng biểu hiện tính khả thi của dự án; hệ số thu hồi vốn đầu tư (RR) phản ánh mức lợi nhuận thuần thu được từ một đơn vị vốn đầu tư được thực hiện.

Trên cơ sở hiệu quả kinh tế của dự án nhìn từ lợi ích của nhà đầu tư, cơ quan thẩm định dự án FDI cần dựa trên hệ thống định mức kinh tế - kỷ thuật quốc gia để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội nhìn từ lợi ích của nước tiếp nhận đầu tư.

Hệ thống định mức có liên quan đến các yếu tố như sử dụng đất, lao động, tài nguyên, môi trường, cháy nổ, sử dụng tiệt kiệm năng lượng, nộp ngân sách, tác động lan tỏa đối với doanh nghiệp trong nước.

Đất đai là yếu tố gắn với việc thực hiên dự án, song tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả kinh tế trên 1ha đất, nên đã cấp quá nhiều diện tích cho những dự án quy mô nhỏ và trung bình; nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang hàng trăm ha đất canh tác nhưng chậm được thu hồi; tại nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế còn hàng nghìn ha đất chưa đưa vào sử dụng. Hệ số sử dụng đất cần được xác định theo ngành, nghề, sản phẩm, địa phương, quy định suất đầu tư tối thiểu phải đạt được trên 1ha.

Số lượng người lao động được sử dụng cho mỗi dự án cũng phải được xác định thành định mức để tính hiệu quả kinh tế - xã hội. Những dự án thâm dụng lao động được đầu tư tại các địa phương còn kém phát triển để tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động cần được định mức tối thiểu về số lượng lao động trên đơn vị vốn đầu tư. Thực tế đã có địa phương chấp thuận dự án lọc dầu với vốn đầu tư 21 tỷ USD, sử dụng vài nghìn ha đất, nhưng chỉ tạo việc làm cho 5000 người lao động; khi tính hiệu quả kinh tế - xã hội thì quá thấp do dầu thô được nhập khẩu, dầu tinh chủ yếu để xuất khẩu nên thu ngân sách khá khiêm tốn. May mắn là do khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhà đầu tư không thu xếp được vốn vay nên đã xin dừng triển khai dự án. Hàng nghìn ha đất sạch của dự án đã được chuyển thành khu đô thị mới.

Việc sử dụng tài nguyên như quặng, đất, cát, nước ngầm cần được định mức để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc sử dụng tài nguyên (ngày càng trở nên khan hiếm) càng cần được chỉ dẫn theo hướng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm và dự án bằng các công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) là điển hình về khai thác tài nguyên làm lãng phí đất đai, tiền vốn, gây ô nhiễm môi trường. May mắn Chính phủ đã tạm ngừng hoạt động nên giảm bớt nguy cơ tiềm ẩn đối với dân cư trong vùng, khi khai thác hàng trăm triệu tấn quặng sắt tạo nên một hồ chứa nước rộng lớn có chiều sâu 40-50 mét gần biển.

Môi trường bao gồm chất thải rắn, nước thải, khí thải, bụi có liên quan không chỉ với cư dân xung quanh dự án mà còn quan hệ với khí thải nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất, gây ra thảm họa thiên tai như bão lũ, khô hạn, hiện đang trở thành vấn đề thời sự nóng hổi từ sự kêu cứu của nhiều con sông đã trở thành “thảm họa đen”, khói bụi tại các khu đô thị trở nên nghiêm trọng, xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh đồng bằng Nam bộ.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ được tổ chức tháng 8/2016 nhận định: Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút vốn. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Quy chuẩn ngành thép là ví dụ điển hình. Theo quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu phải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi thải ra môi trường, nhưng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành sản xuất thép chỉ quy định 12 chỉ tiêu, đáng lưu ý là chỉ tiêu Xyanua (một trong những độc tố gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa gây ra vào tháng 4/2016) lại được phép xả thải gấp 5 lần mức cho phép của quy chuẩn chung.

Từ sự cảnh báo trên đây, cần kiểm tra toàn bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường theo hướng nâng cấp để thích ứng với chuyển đổi sang kinh tế số, xây dựng nền kinh tế xanh, ít carbon.

Hệ số sử dụng năng lượng là chỉ tiêu quan trọng không chỉ gắn với môi trường, mà còn có liên quan đến mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng năng lượng. Nước ta đã có giai đoạn hệ số sử dụng năng lượng đạt 2,1, hiện nay đã giảm xuống 1,1- 1,2 nhưng vẫn cao hơn một số nước trong khu vực do cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghệ của nhiều nhà máy còn lạc hậu, một số khu đô thị, khách sạn, văn phòng cho thuê sử dụng năng lượng lãng phí. Do đó cần có hệ số sử dụng năng lượng cho từng ngành công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị theo hướng kinh tế xanh để nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, xây dựng khu đô thị sinh thái.

Nộp ngân sách là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng khi thu hút dự án FDI. Trên bình diện kinh tế vĩ mô thì khu vực FDI nộp ngân sách ngày càng nhiều, đã vượt khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo Tổng cục Thuế, 4 tháng đầu năm 2021 thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước đạt 53.191 tỷ đồng, bằng 35,9% dự toán và tăng 3,3%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỉ đồng, bằng 42,8% dự toán và tăng 9,3%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt khoảng 109.541 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán và tăng 37,2% cùng kỳ.

Tuy vậy, tình trạng phổ biến khi thẩm định dự án FDI là chưa dựa trên định mức kinh tế về hệ số nộp ngân sách (bao gồm các loại thuế, phí) trên một đơn vị vốn đầu tư (ví dụ 1 triệu USD) từng ngành, lĩnh vực, địa phương để từ đó quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án.

Các vấn đề như kết nối theo chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn toàn cầu, làm công nghiệp hỗ trợ đề khắc phục nhược điểm lớn là tính lan tỏa của khu vực FDI còn thấp, xây dựng khu công nghiệp sinh thái, đô thị công nghiệp cũng cần được nghiên cứu khi xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật quốc gia nhằm thu hút FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.

Thực hiện

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh”. Nghị quyết 58 của Chính phủ phân công “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng các tiêu chí về đầu tư (về suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa, tham gia các chuỗi giá trị quốc tế...) để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn để ban hành kèm theo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư”.

Từ đó, kiến nghị với Chính phủ tiến hành ba nhóm công tác để tháng 12 năm 2021 hoàn thành xây dựng tiêu chí đánh giá FDI: 1) Rà soát toàn bộ định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí đánh giá của quốc gia đã ban hành, đối chiếu với yêu cầu nâng cao chất lượng FDI để sửa đổi, bổ sung đề hoàn chỉnh.

Hệ thống này cứ 5 năm một lần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với định hướng mới về thu hút FDI; 2) Ban hành cuốn “ Cẩm nang tiêu chí đánh giá FDI” để hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, tổ chức tư vấn đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đối với FDI; 3) Tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến đến các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hàng năm về việc thực hiện tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế -xã hội dự án FDI, khen thưởng cơ quan, địa phương thực hiện tốt, khiển trách, kỷ luật cán bộ vi phạm các tiêu chuẩn, định mức khi phê chuẩn dự án FDI.

Nguồn tin: Vietnam Finance

ĐỌC THÊM