Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đại lý và khách hàng choáng váng

* Doanh nghiệp chia nhỏ các đợt tăng giá để tránh gây sốc
(HNM) - Giá thép trong tháng 3 và đầu tháng 4 liên tục tăng mạnh trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa dịch vụ đồng loạt điều chỉnh giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt hàng thép đang bị các doanh nghiệp (DN) "làm giá", song các chuyên gia ngành thép lại khẳng định, DN thép đã điều chỉnh giá bám sát những biến động thị trường. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức 7%, việc quản lý giá thép cũng như nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác đang là mối lo thường trực của cơ quan quản lý giá.

Giá thép cần được điều chỉnh hợp lý để tránh thiệt hại cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Ảnh: Minh Nguyễn

Một kiểu tránh sốc

Việc giá thép liên tục tăng trong thời gian gần đây khiến không ít đại lý thép bất ngờ. Trao đổi với chủ các cửa hàng, đại lý thép trên thị trường Hà Nội, chúng tôi được biết, trong tháng 3 giá thép tăng liên tục. Có thời điểm giá thép tăng tới 2 lần trong 1 tuần với mức tăng trung bình 300.000- 500.000đồng/tấn. Chủ cửa hàng thép tại 820 đường Láng cho biết, hiện nay giá thép các loại, như Việt - Úc, Việt-Ý, Thái Nguyên... đã tăng 500.000-700.000đồng/tấn. Đầu tháng 3, giá thép cho đại lý cấp 1 ở mức 12,4 triệu đồng/tấn, giữa tháng tăng lên 14 triệu đồng/tấn và hiện giá bán lẻ đến người tiêu dùng khoảng 16 triệu đồng/tấn (tùy loại). Đà tăng giá thế này đến người bán còn choáng váng, nói gì người mua. Có khách hàng thấy giá thép tăng quá nhanh nên tạm dừng không mua, nhưng một tuần sau quay lại, giá thép đã tăng thêm 700.000 đồng/tấn.

Về nguyên nhân tăng giá thép, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ ngày 1-4, giá quặng trên thế giới đã tăng 50%, giá than mỡ tăng 80% so với năm 2009. Trong quý I, lượng thép trong nước đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, ngành thép đã chủ động được khoảng 60% nhu cầu phôi, nhưng trong năm nay dự kiến vẫn sẽ phải nhập thêm 2 triệu tấn phôi cho nhu cầu sản xuất trong nước. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng lên từ đầu tháng 2-2010, việc phải nhập khẩu phôi thép với số lượng lớn sẽ khiến chi phí "đầu vào" của DN sản xuất thép tăng cao. Thêm vào đó, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt đầu hồi phục đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng, khiến giá thép sẽ tiếp tục biến động theo hướng tăng.

Lý giải nguyên nhân về việc vì sao lượng thép tồn kho với chi phí thấp hiện khá dồi dào song giá thép vẫn liên tục điều chỉnh, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, việc các DN mua giá thấp, bán giá thấp chỉ xảy ra khi họ không có ý định tiếp tục kinh doanh, còn thông thường DN sẽ điều chỉnh giá theo tín hiệu thị trường. Để tránh gây "sốc" cho khách hàng, DN sẽ chia nhỏ các đợt tăng giá, nếu thị trường chấp nhận, họ sẽ điều chỉnh cho hài hòa với mặt bằng chung.

Giá thép tăng bất thường trong thời gian gần đây. Ảnh: Huy Nguyễn

Bất ổn chi phí "đầu vào"

Là một trong những mặt hàng thiết yếu, nên giá thép thuộc diện quản lý sát sao của cơ quan quản lý giá. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thép là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nên nếu có những diễn biến bất thường, Nhà nước có quyền áp dụng biện pháp bình ổn. Mặc dù hiện nay, giá một số nguyên liệu "đầu vào" sản xuất thép như phôi, quặng, xăng, dầu, điện... tăng; song mức tăng giá của thép hay xi măng phải hợp lý chứ không thể nhân cơ hội giá "đầu vào" tăng để điều chỉnh giá sai quy định. Thanh tra Bộ Tài chính đã cử nhiều đoàn kiểm tra việc tăng giá một số mặt hàng trong đó có thép xây dựng. Kết quả bước đầu cho thấy, một số DN thép tăng giá, nhưng nhiều yếu tố "đầu vào" chưa hợp lý. Để sản xuất 1 tấn thép, có những định mức nhất định về quặng, phôi, than, điện... nhưng qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện một số DN thép, xi măng sử dụng nguyên vật liệu không đúng định mức. Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, sẽ có văn bản yêu cầu các DN sản xuất thép nghiêm túc cắt giảm chi phí, thực hiện đúng định mức quy định để giảm chi phí "đầu vào", từ đó giảm giá sản phẩm.

Nghị quyết số 18 của Chính phủ ban hành ngày 6-4 nêu rõ, để tập trung kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức 7%, sẽ không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá… Với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DN nhà nước bên cạnh việc không được tăng giá bất hợp lý, phải tham gia bình ổn thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu nêu trên, trong đó có thép xây dựng... Các hiện tượng đầu cơ nâng giá, gian lận thương mại sẽ bị xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. DN ngành thép cần chấp hành nghiêm các quy định về cấu thành giá, cắt giảm chi phí "đầu vào", không để tăng giá liên tục như hiện nay.

HNM

ĐỌC THÊM