Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cổ phiếu thép ‘làm mưa làm gió’

Đua cùng mức tăng giá thép ngoài thị trường, các cổ phiếu thép trong tháng 4 cũng liên tục “làm mưa làm gió”, thu hút lượng lệnh đặt mua lớn, bất chấp cảnh báo về rủi ro khi đầu tư vào nhóm ngành vốn có tiếng làm giá nhất thị trường.

Năm 2009, cổ phiếu thép từng khiến giới đầu tư hả hê lẫn tiếc nuối vì kỷ lục về độ dài "sóng" ngành này tạo ra, với mức tăng cao hơn 25% mức tăng chung của Vn - Index. Nhóm ngành này hiện tiếp tục thu hút lượng mua lớn mỗi phiên, cho dù theo các chuyên gia, không phải doanh nghiệp thép niêm yết nào cũng thực sự làm ăn tốt.

Doanh nghiệp lỗ, cổ phiếu vẫn tăng

Ngay đầu tháng 4, VIS của Thép Việt - Ý, HPG của Hòa Phát, HSG của Tôn Hoa Sen (HSG), PHT của Phúc Tiến… đã gây “sốt” cho giới đầu tư khi tăng trần 4 - 5 phiên liên tiếp, dư mua mỗi phiên hàng trăm nghìn đơn vị.

Cổ phiếu thép đang được hút giá, hút hàng "ăn theo" giá thép. Ảnh: Đức Long.

Ngay trước đợt nghỉ lễ 30/4, hàng loạt cổ phiếu thép tiếp tục “rập rình” tạo “sóng”, bất chấp giá thép ngoài thị trường đang có xu hướng giảm. Cụ thể, VIS 3 phiên trước ngày lễ tăng một mạch từ 63.000 đồng một cổ phiếu, lên 72.000 đồng, SMC tăng từ 34.000 đồng lên 36.200 đồng một cổ phiếu... Theo ông Phạm Thành Trung, Trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Hà Nội, mặc dù là một trong những nhóm ngành tạo “sóng” nhiều nhất nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào của ngành này cũng thực sự làm ăn tốt. Chẳng hạn, trường hợp HLA của Hữu liên Á Châu, quý IV/2009 lỗ 71 triệu đồng nhưng vẫn được đẩy giá tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng lên xấp xỉ 40.000 đồng một cổ phiếu.

“Ngoại trừ một số doanh nghiệp sản xuất có thị phần lớn như HPG, HSG, VGS lợi nhuận ổn định, các doanh nghiệp vừa sản xuất và thương mại khác không phải lúc nào cũng lãi lớn, dù liên tục tăng giá. Thậm chí, thời điểm này, không ít doanh nghiệp lợi nhuận có thể bị thu hẹp khi giá thép đang giảm, buộc phải xả hàng trong kho ở mức giá cao để quay vòng vốn”, ông Trung nhận định. 

Xôn xao thông tin rò rỉ

Lý giải về hiện tượng cổ phiếu thép đua giá thời gian gần đây, ông Trần Hải, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán VietinbankSC, chi nhánh Hà Nội, cho rằng: “Nhà đầu tư đang quá kỳ vọng doanh nghiệp thép sẽ có lợi nhuận đột biến và thông tin đặc biệt trong quý II. Còn nhớ, cũng thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu thép đã gây sức hút lớn khi giá thép tăng liên tục từ xấp xỉ 10 triệu đồng một tấn lên 12 - 13 triệu đồng. Hiện thị trường đang có những diễn biến tượng tự, nên nguồn tiền lại được hút mạnh vào nhóm ngành này”. Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế mấy ngày gần đây, giới đầu tư bắt đầu xôn xao về thông tin rò rỉ từ lãnh đạo một số doanh nghiệp thép niêm yết về khoản lợi nhuận đột biến chưa kịp công bố, đi kèm với chia thưởng, trả cổ tức quý cực cao. Đây mới là nguyên do khiến cổ phiếu thép liên tục được đẩy giá.

Ông Trung cũng chung nhận định: “Khả năng chính doanh nghiệp niêm yết cố tình tung tin để đẩy giá, lướt sóng, thậm chí do chính cổ đông lớn của công ty, những người đầu tiên nắm được thông tin quan trọng của doanh nghiệp”. Thực tế, thị trường cũng đã từng chứng kiến không ít trường hợp cổ đông lớn làm giá trắng trợn như vụ HCT (Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ, vận tải Xi măng Hải Phòng) hồi cuối tháng 3. Ông Trần Thái Hưng cổ đông lớn của HCT cố tình đăng tin chào mua khối lượng lớn cổ phiếu HCT (sau khi tung tin doanh nghiệp này lãi hàng tỷ đồng). Nhiều nhà đầu tư mua theo để rồi sau đó mới ngã ngửa khi vị cổ đông này lại nộp đơn xin hủy mua, thậm chí còn âm thầm bán cổ phiếu ra. Còn với bản thân doanh nghiệp niêm yết, việc đẩy giá cổ phiếu của chính mình dù không làm tăng cổ tức, lợi nhuận của công ty, nhưng theo giới phân tích, đây lại là một chiêu để doanh nghiệp “lăng-xê” tên tuổi.

Baodatviet

ĐỌC THÊM