Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ hội và thách thức cho hàng hóa Việt

 Mới đây, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau vài tuần tới, đợt thuế có thể được áp thêm 16 tỉ USD hàng hóa. Mỹ có thể áp thuế lên số hàng tổng cộng hơn 500 tỉ USD nếu Trung Quốc trả đũa. Đây sẽ là những thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cạnh tranh về giá để doanh nghiệp (DN) Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

 Thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: QĐ

Cơ hội cho hàng xuất khẩu

Tại thời điểm này, khi các sản phẩm hàng hóa bị áp thuế của hai bên Mỹ và Trung Quốc mới chỉ ở diện hẹp, gồm các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc như động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông, còn ngược lại thuế trả đũa của Trung Quốc lại nhằm vào nông phẩm, ô tô và thủy sản… của Mỹ. Đây đều là các sản phẩm không thuộc thế mạnh của Việt Nam. Do vậy, tác động trực tiếp và tức thời lên xuất khẩu Việt Nam sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, tác động sẽ rất khó dự báo nếu “cuộc chiến” tiếp tục leo thang và diện sản phẩm bị trừng phạt gia tăng.

Trước bối cảnh “chiến tranh” thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giới chuyên gia kinh tế đều cho rằng Việt Nam sẽ chịu tác động hai chiều từ cuộc chiến này, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Các DN xuất khẩu hàng Việt có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng xuất khẩu những mặt hàng cùng loại mà Mỹ áp thuế Trung Quốc sang thị trường Mỹ như dệt may, da giày.

Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư từ Mỹ. Nhìn một cách tích cực thì DN Việt có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Cũng như vậy, ở thị trường Trung Quốc, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam, thì cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được thị trường này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, phụ thuộc khá lớn vào các biến động của thị trường thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, đối với các DN xuất khẩu, có lẽ việc quan trọng nhất là theo dõi sát sao tình hình thị trường, không chỉ ở Mỹ hay Trung Quốc mà ở cả các thị trường khác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt nhất có thể. Các DN cũng nên chủ động tìm những con đường xuất khẩu ổn định và thuận lợi hơn, cũng như tìm cách để tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và sẽ có với các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ và Trung Quốc.

Nỗi lo hàng Trung Quốc “tráng men” Việt

Trước “cuộc chiến” thương mại căng thẳng giữa hai cường quốc, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những cảnh báo cho thị trường trong nước. Một trong những điều đáng lo ngại nhất chính là hàng Trung Quốc sẽ "đội lốt" hàng Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ.

Trong thời gian qua, các sản phẩm như sắt, thép, xi măng của Việt Nam đã nhiều lần bị Mỹ cáo buộc là có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng mượn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ để hưởng lợi về thuế suất.

Cuối năm 2017, để bảo vệ hàng hóa và thị trường, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Các sản phẩm thép của Trung Quốc hiện đang phải chịu thuế rất cao từ Mỹ, nên thay vì xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, các DN Việt Nam cần phải cẩn trọng" - chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Những cảnh báo trên hoàn toàn có cơ sở khi mà mới đây Hiệp hội Thép Việt Nam đã phải đưa ra khuyến cáo các DN Việt không nên tiếp tay chuyển xuất xứ cho các sản phẩm thép Trung Quốc gắn mác Việt Nam, nhất là trong bối cảnh “chiến tranh” thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, trong số 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan đến thép, chủ yếu là các vụ điều tra chống bán phá giá. Còn trong tổng số 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các DN trong nước. Về phía DN, cũng cần phải tự giác hơn, không tiếp tay, lợi dụng theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, tức dùng hàng hóa từ một nước khác trá hình hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế.

Nguồn tin: Thanh tra

ĐỌC THÊM