Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chủ dự án liêu xiêu, nhà sản xuất thép hốt bạc

Các chủ dự án đầu tư công trình xây dựng đau đầu trước nạn giá thép tăng, trong khi công ty thép lại hốt bạc. Trước đó năm 2009, có công ty thép đã lãi gấp 10 lần kế hoạch nhờ tăng giá bán theo đà tăng của phôi thép.

Theo chủ đầu tư dự án Satra - Đất Thành (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), lợi nhuận sẽ giảm mạnh nếu giá thép tăng liên tục - Ảnh: THANH ĐẠM

Không ít công ty thép đã nhanh tay tăng giá bán khi giá phôi thép thế giới tăng dù họ đang sản xuất bằng phôi nhập khẩu có giá rẻ.

Chủ dự án, nhà thầu cùng lo

Nhà phân phối thép cũng hưởng lợi

Không chỉ nhà sản xuất thép hưởng lợi, không ít công ty phân phối thép là “sân sau” của nhà sản xuất cũng tranh thủ cơ hội găm hàng chờ tăng giá.

Một chuyên gia ngành thép cho rằng lãi suất, tỉ giá và giá phôi thép thế giới tăng, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không thể không tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, nếu mức tăng giá quá “sốc” sẽ gây tác dụng ngược, ngành thép sẽ lãnh đủ nếu các chủ đầu tư ngừng dự án, giãn tiến độ...

Theo ông Lê Tấn Hòa - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Lilama - SHB, chi phí thép chiếm 20-25% giá thành đầu tư dự án, trong khi từ đầu năm đến nay giá thép đã tăng 25%, đẩy giá thành công trình đội lên 5-7%. Bốn dự án căn hộ đang được công ty triển khai cần số thép khoảng 15.000 tấn. Với mức tăng gần 2 triệu đồng/tấn trong tháng 3, chi phí cho các dự án kể trên đội lên xấp xỉ 30 tỉ đồng.

Chủ đầu tư lo một thì các nhà thầu lo mười. Tổng giám đốc một công ty xây dựng cho biết rất lo vì hai năm trước đã có nhiều nhà thầu vỡ nợ do giá thép tăng phi mã. Phần lớn nhà thầu chỉ chấp nhận bao trọn gói nếu chủ đầu tư tạm ứng trước 50-60% giá trị công trình. Tuy nhiên, giá thép đột ngột tăng thời gian qua khiến nhiều nhà thầu trở tay không kịp.

Do khó khăn nguồn vốn, thời gian qua nhiều chủ đầu tư giảm tỉ lệ ứng trước xuống mức khá thấp, các nhà thầu cần hợp đồng để nuôi công nhân cũng “nhắm mắt” nhận bao trọn gói, nay đang đối diện với nguy cơ thua lỗ. “Chúng tôi chỉ được chủ đầu tư ứng trước 20% giá trị công trình, không dự trữ thép nhiều, bây giờ phải năn nỉ chủ đầu tư thương lượng lại giá để bớt lỗ” - giám đốc một công ty xây dựng nói.

Theo vị giám đốc này, nếu chủ đầu tư không chấp nhận, doanh nghiệp phải thi công cầm chừng chờ giá thép giảm lại, chấp nhận chịu phạt, bí quá thì “bỏ của chạy lấy người”.

Giãn tiến độ, dừng dự án

Ông Ngô Văn Hiếu - tổng giám đốc Eximland - cho biết thời gian qua các chủ đầu tư dự án căn hộ đều theo phương châm lãi ít nhưng sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Do đó khi giá thép tăng mạnh, giá thành cao, doanh nghiệp phải tính lại các kế hoạch triển khai dự án.

Ngoài dự án căn hộ Satra - Đất Thành (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang được triển khai, từ cuối năm 2009, Công ty Eximland đã lên kế hoạch khởi công thêm ba dự án khác trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên theo ông Hiếu, giá thép tăng mạnh công ty sẽ cân nhắc lại thời điểm triển khai các dự án này.

Ông Lê Tấn Hòa cũng cho biết đang giãn tiến độ các dự án. “Thay vì thi công cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ, hiện công nhân chỉ còn làm việc ban ngày...” - ông Hòa nói.

Chủ một dự án căn hộ cao cấp tại quận 7 (TP.HCM) bày tỏ lo lắng chưa biết nên tiếp tục hay ngừng dự án dù đã đổ hàng trăm tỉ đồng hoàn thiện phần móng, đang chuẩn bị tung hàng ra bán. Theo vị chủ đầu tư này, cái khó của thị trường căn hộ hiện nay là giá bán phụ thuộc vào khách hàng, nếu tăng giá bán mà khách không chấp nhận thì chủ đầu tư cũng “chết” vì bị chôn vốn.

Nhà sản xuất thép hốt bạc

Ngược lại với chủ dự án và nhà thầu xây dựng, các nhà sản xuất và kinh doanh thép lại lãi lớn nhờ các đợt tăng giá thép. Tình hình này từng diễn ra trong năm 2009 và đang lặp lại ở những tháng đầu năm 2010. Một chuyên gia ngành thép nói phôi thép thế giới rục rịch tăng là nhà sản xuất trong nước tăng giá bán dù họ chẳng nhập tấn phôi thép nào giá cao, chủ yếu sản xuất bằng phôi đã nhập khẩu trước đó với giá thấp.

Theo Hiệp hội Thép VN, đến đầu tháng 3-2010, lượng phôi thép dự trữ của doanh nghiệp còn khoảng 430.000 tấn, với mức giá khoảng 500 USD/tấn. Cũng kể từ đầu tháng 3, giá phôi thép thế giới bắt đầu tăng, từ 530-540 USD/tấn và hiện giá phôi giao cuối tháng 4-2010 ở mức 610 USD/tấn. Dù phần lớn được sản xuất bằng phôi nhập khẩu có giá 500 USD/tấn nhưng chỉ riêng tháng 3-2010, các nhà sản xuất đã tăng giá bán gần 2 triệu đồng/tấn.

Việc bán thép đón đầu đà tăng của giá thế giới đã giúp không ít công ty thép có lợi nhuận đột biến. Năm 2009, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty CP thép Việt Ý (VIS) chỉ tăng hơn 25% so với kế hoạch, doanh thu thuần tăng hơn 27% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gấp 10,4 lần (hơn 1.000%) kế hoạch. Công ty đã đạt lợi nhuận sau thuế hơn 229,229 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu chỉ hơn 22 tỉ đồng. Đặc biệt trong quý 2-2009, công ty này đạt lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 103 tỉ đồng, gấp mười lần lợi nhuận của quý trước đó dù khối lượng tiêu thụ chỉ tăng 33%.

Theo giải trình của VIS, giá phôi thép từ mức 300 USD/tấn vào cuối năm 2008 và đầu quý 1-2009 đã tăng lên đến 500 USD/tấn trong quý 2-2009 là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận tăng đột biến. “Trong quý 1-2009 công ty đã chủ động nhập khẩu phôi thép về dự trữ, sang quý 2 đưa vào sản xuất thép bán ra thị trường” - báo cáo giải trình nêu.

Tương tự, đầu năm 2009 Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 585 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 920 tỉ đồng. Kết thúc năm 2009 đạt 1.281 tỉ đồng, vượt 39% so với kế hoạch đã điều chỉnh. Công ty CP thép Pomina cũng đạt lợi nhuận trước thuế năm 2009 lên tới 873 tỉ đồng, tăng 81% so với năm 2008...

Tuoitre

ĐỌC THÊM