Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chi gần 200 ngàn USD mua 10 container chứa xỉ sắt vón cục

Các container xỉ sắt vón cục vẫn còn nằm tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Vào ngày 11/10/2007, Công ty Intermetal - International Metal ký kết hợp đồng bán cho Công ty cổ phần Kim khí miền Trung 550 tấn thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trị giá 184.250 USD. Lô hàng được nhập về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) gồm 10 container chứa xỉ sắt vón cục.
 
 
 
 
 

Cuối tháng 9/2008, trong khi vụ nhập sắt thép phế liệu "bẩn" của Công ty cổ phần Thép Thành Lợi chưa được giải quyết rốt ráo thì Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng khu vực 2 (thuộc Chi cục Hải quan Đà Nẵng), thông báo phát hiện 10 container chứa xỉ sắt vón cục từ nước ngoài nhập vào cảng Tiên Sa đã gần 1 năm song không có người nhận. Qua điều tra, đến nay PV Báo CAND đã xác định được chủ lô hàng này…     

 
 
 
 
 

 

 
 
 
 

 

Mua ở Mỹ, bán từ Philippines

Lần theo những đầu mối liên quan đến sự vụ, chúng tôi đã xác định được lô hàng gồm 10 container (loại 20 feet), chứa 216,765 tấn xỉ sắt vón cục giữ tại cảng Tiên Sa được vận chuyển về từ một cảng biển của Philippines.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với lô hàng này vào Việt Nam lại ở Mỹ. Đó là Công ty Intermetal - International Metal, tại 10800 Biscayne Bldv. Ste#870, Miami, FL 33161; do ông Joe Carrero làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO).

Tài liệu thu thập cho thấy: Vào ngày 11/10/2007, Công ty Intermetal - International Metal ký kết hợp đồng bán cho Công ty cổ phần Kim khí miền Trung (gọi tắt là Công ty KKMT), 16 Thái Phiên, TP Đà Nẵng, 550 tấn thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trị giá 184.250 USD. Lô hàng được nhập về cảng Tiên Sa chia làm 2 đợt; trong đó đợt 1 gồm 10 container với số lượng 216,765 tấn sắt thép phế liệu.

Khi lô hàng đợt 1 được chuyển về cảng Tiên Sa, ngày 5/11/2007, Công ty KKMT tiến hành mở tờ khai hải quan số 1356/NK-KD-KVII để thông quan thì phát hiện có nhiều dấu hiệu nghi vấn, mời đại diện cơ quan Hải quan kiểm tra. Hoá ra, bên trong các container chỉ là xỉ sắt vón cục.

Kết quả giám định của Vinacontrol cũng khẳng định, lô hàng không phải là thép phế liệu HMS (80/20) như hợp đồng đôi bên đã ký kết, vì vậy Công ty KKMT từ chối nhận lô hàng. Và thế là lô hàng nằm lại cảng Tiên Sa từ đó đến nay…

Làm gì để ngặn chặn rác phế liệu vào Việt Nam?

Ông Huỳnh Tấn Quế, Tổng Giám đốc Công ty KKMT nói rằng, nếu Công ty KKMT lơ là mất cảnh giác trong vụ mua bán sắt thép phế liệu với Công ty Intermetal - International Metal, chắc chắn đã bị thiệt hại nặng nề về vật chất và uy tín. Bởi vì, khi đã giao tiền cho bên bán thì nghiễm nhiên lô hàng là của Công ty KKMT và lúc đó tai tiếng công ty nhập rác phế liệu sẽ không tránh khỏi.

Ông Trần Ngọc Lĩnh, Phó phòng Kinh doanh - Thị trường Công ty KKMT, cũng cho biết thêm: Lô hàng sắt thép phế liệu đợt 1 của Công ty Intermetal - International Metal về đến cảng Tiên Sa, Đại lý vận chuyển Everich Đất Biển đòi phải có vận đơn gốc mới cho Công ty KKMT nhận hàng.

Thế nhưng, thẩm tra chứng từ liên quan đến lô hàng Công ty Intermetal - International Metal chuyển về Ngân hàng Ngoại thương Đà Nẵng thì phát hiện quá nhiều nghi vấn, từ đó Công ty KKMT mới báo cho cơ quan Hải quan kiểm tra và đã thoát nạn.

Sau khi Công ty KKMT cùng cơ quan Hải quan kiểm tra phát hiện lô hàng không đúng chủng loại, đến ngày 16/11/2007, phía Công ty Intermetal - International Metal chính thức công nhận thương vụ là giả tạo, tán thành việc Công ty KKMT từ chối không nhận lô hàng sắt thép phế liệu gửi từ cảng Philippines. Ông Joe Carrero cũng thừa nhận là bị một doanh nghiệp của Philippines lừa và đã thiệt hại trên 100 nghìn USD.

Công ty KKMT từ chối thì lẽ ra Công ty Intermetal - International Metal phải nhận lại lô hàng. Nhưng, Công ty Intermetal - International Metal không thể chở lô hàng này quay lại Philippines nên đã bỏ hàng…

Theo ông Lĩnh, hiện nay các hãng đại lý vận chuyển tàu biển đa số là "ông trời con", doanh nghiệp trong nước mua bán với doanh nghiệp nước ngoài, hàng hoá được chuyển về cảng thì họ buộc phải xuất trình vận đơn ký hậu mới cho nhận.

Trong khi, để có được vận đơn ký hậu thì doanh nghiệp mua hàng phải thanh toán đầy đủ tiền cho bên bán. Một khi đã giao tiền, hàng mở ra không đúng chủng loại chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt; nghiêm trọng hơn, nếu hàng hoá vi phạm pháp luật thì… lãnh đủ!

Vì vậy, Chính phủ nên xem xét, cảnh báo với các cơ quan chức năng tại các cảng trong nước, nếu doanh nghiệp nhập hàng hoá từ nước ngoài về thấy có nghi vấn thì cho phối hợp để kiểm tra, không phải bị ràng buộc bởi hệ lụy từ các đại lý vận chuyển

(Nguồn CAND)

ĐỌC THÊM