Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần hạn chế nhập siêu trong ngành Thép

Bên cạnh việc nhập khẩu một số nguyên liệu cho sản xuất là bắt buộc thì tình trạng nhập khẩu nhiều sản phẩm trong nước đã sản xuất được khiến ngành Thép có tỷ lệ nhập siêu cao. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường phân tích nguyên nhân và đề xuất biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu của ngành Thép.

Chinhphu

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngành kinh tế có tỷ lệ nhập siêu cao

Những năm trước đây, các cơ sở sản xuất thép trong nước chỉ tập trung đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép phục vụ xây dựng như thép cuộn, thép thanh, thép hình cỡ nhỏ và cỡ trung do sự hạn chế về vốn đầu tư, về trình độ quản lý, công nghệ và kỹ thuật của các sản phẩm mới. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, nhiều công ty đã đầu tư các cơ sở sản xuất phôi (chủ yếu là lò điện) để giảm dần số lượng phôi nhập khẩu cho các nhà máy cán.

Sau năm 2005, các cơ sở sản xuất sản phẩm thép dẹt (cuộn cán nguội) đã đi vào sản xuất trên cơ sở cán nóng thép nhập khẩu làm nguyên liệu, mở rộng sản xuất thép ống, sản xuất tôn tráng kẽm, tôn phủ màu, cơ cấu sản phẩm đã phong phú hơn. Nhiều dự án lớn đã được cấp phép đầu tư để sản xuất thép tấm lá cán nóng, cán nguội cũng đã được triển khai và đang trong giai đoạn xây dựng.

Tuy nhiên ngành Thép Việt Nam hiện nay vẫn nhập siêu. Tỷ lệ xuất khẩu không đáng kể so với nhập khẩu. Sau sự tăng đột biến về xuất khẩu vào năm 2008 khi lượng thép xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD (chủ yếu là tái xuất nguyên liệu phôi thép và thép cán nóng) thì xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2009 đã giảm sút đáng kể cả về kim ngạch và số lượng.

Với nhu cầu thép đa dạng để phục vụ phát triển với tốc độ khá cao, trong khi sản xuất thép trong nước mới đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và mới chỉ tập trung cho các công đoạn sản xuất ở hạ nguồn (nhập phôi để cán sản phẩm), vì vậy, lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam những năm gần đây tăng lên rất mạnh. Ngành Thép trở thành ngành kinh tế tiêu tốn lượng ngoại tệ lớn, tỷ lệ nhập siêu cao.

Tuy nhiên, bên cạnh việc nhập khẩu phế, phôi là nguyên liệu cho sản xuất là bắt buộc thì tình trạng nhập khẩu nhiều sản phẩm trong nước đã sản xuất được đang gây ra nhiều thiệt hại cho ngành Thép nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, năng lực sản xuất các sản phẩm trên đều vượt xa nhu cầu trong nước. Nhưng do mới ở giai đoạn đầu của dự án nên các nhà máy trong nước bị hạn chế do công suất máy và bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép nhập khẩu (sản lượng phôi thép năm 2009 chỉ đạt khoảng 50% công suất, sản lượng thép xây dựng chỉ đạt khoảng 67%). Năm 2009 đã nhập khẩu 391.989 tấn thép cuộn, 359.683 tấn thép mạ màu các loại, 68.000 tấn thép cuộn. 3 tháng đầu năm 2010, đã có 57.000 tấn thép cuộn và 68.000 tấn thép mạ các loại được nhập về trong tổng số 1,7 triệu tấn thép thành phẩm nhập vào Việt Nam.

Điều này đã tạo sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.

Hạn chế nhập khẩu những sản phẩm sản xuất được trong nước 

Để tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghiệp thép trong nước, giảm nhập siêu trong ngành Thép góp phần giảm nhập siêu chung của cả nước, Hiệp hội Thép cho rằng cần tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, Bộ Công Thương cần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã có công suất dư thừa, đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội, ống thép hàn,…

Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc nhập khẩu thép phế liệu để tăng cường sản xuất phôi trong nước.

Như đã nêu ở trên, sản lượng phôi thép hiện tại mới chỉ bằng 50% công suất do đó việc tăng nhập khẩu thép phế liệu sẽ đẩy mạnh sản xuất phôi trong nước, qua đó giúp ngành Thép dần tự chủ được nguyên liệu chính cho sản xuất, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước đồng thời góp phần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và hạn chế nhập siêu.

Đề nghị nhà nước cho phép sử dụng nhiều loại ngoại tệ thay thế đồng USD trong thanh toán nhập khẩu. Đây cũng là một biện pháp có thể giúp doanh nghiệp linh hoạt và chủ động hơn trong nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất bởi trong thời gian qua, tỷ giá đồng USD biến động mạnh. Bộ Công Thương cần hỗ trợ triển khai xúc tiến thương mại tại các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông để mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu tạo thuận lợi cho các đơn vị nhập khẩu thép phế về cho sản xuất thép trong nước. Coi phế liệu là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép của Việt Nam để có những quy định phù hợp vừa bảo vệ môi trường nhưng cũng không cản trở sản xuất thép. 

 Ngân hàng Nhà nước cân đối nguồn ngoại tệ và tín dụng nhập khẩu các nguyên liệu cho sản xuất thượng nguồn mà trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu như: thép phế, gang luyện thép, than mỡ, than coke,… để bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất thép, phục vụ nhu cầu thép trong nước, cũng như  nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng cho xuất khẩu.

Hạn chế cấp tín dụng, ngoại tệ cho các đơn vị nhập khẩu các dòng sản phẩm mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu như thép xây dựng, thép cán nguội, thép ống, thép mạ.

Để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thép nhất là đối với các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu, Hiệp hội Thép đề nghị áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đồng thời kiểm soát C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) phù hợp với hàm lượng để xác định xuất xứ.

Cần áp dụng hàng rào kỹ thuật 

Một trong những biện pháp tự vệ của các nước khi gia nhập WTO đó là sử dụng hàng rào kỹ thuật. Nhà nước cần yêu cầu các đơn vị sản xuất trong nước phải tiến hành in logo của mình lên sản phẩm thép cuộn, thép thanh, thép hình và yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải có logo của nhà sản xuất.

Hạn chế nhập khẩu thép cán nguội khổ hẹp hoặc hàng loại 2 kém phẩm chất; nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm thép cho sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm thép nhập khẩu.

Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát khi làm thủ tục thông quan đối với sản phẩm thép xây dựng nhập khẩu như: yêu cầu xuất trình hợp chuẩn chất lượng hàng hóa trước khi cho thông quan.

Việc giám sát và cấp phép các dự án đầu tư mới theo quy hoạch cần chặt chẽ, nhất là việc cấp phép mới các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng các tiêu chí kỹ thuật về vệ sinh môi trường như: các tiêu chí về tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường, quy mô đầu tư công nghệ thiết bị cho dự án mới…

Với những giải pháp và kiến nghị nêu trên, Hiệp hội Thép hy vọng sẽ có tác dụng nhằm giảm nhập siêu trong ngành Thép, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước./.

ĐỌC THÊM