Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các vấn đề kinh tế Việt Nam trong khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã làm cho nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái từ giữa năm 2008 và đang tiếp diễn ngày càng tồi tệ hơn, chưa thể dự báo chính xác thời điểm phục hồi.

Trong bối cảnh đó, ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng là nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay.

Phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng

Ngày 14/3/2009, trong “Báo cáo tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “GDP toàn cầu năm nay sẽ giảm lần đầu tiên từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai”; nửa đầu năm 2009, sản lượng công nghiệp thế giới sẽ thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2008.

Thương mại quốc tế giảm nhiều nhất, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 của Nhật Bản giảm 46,3%, Mỹ giảm 31%, Trung Quốc giảm 17,5%, Đài Loan giảm 42,9% so với tháng 1/2008 (theo AFP, Reuteurs).

Kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều vụ phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chỉ số lòng tin của người dân Mỹ suy giảm đến mức thấp nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo economy.com của Hãng định mức tín nhiệm Moody’s thì GDP Mỹ có thể giảm 5% trong quý I/2009.

Ủy ban châu Âu thừa nhận, 15 nước sử dụng đồng euro đã bước vào đợt suy thoái. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Nhật Bản cũng đang trong trạng thái tồi tệ nhất, khi sản lượng công nghiệp giảm 10% và mức tiêu dùng mỗi hộ gia đình giảm 5,9% trong tháng Giêng. Trung Quốc cũng chịu tác động nghiêm trọng, dự báo năm nay GDP của nước này chỉ tăng 5%.

Giá cả thị trường lên xuống thất thường, giá dầu thô có lúc là 147 USD/thùng, hiện nay dao động ở mức trên dưới 50 USD/thùng, do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm nhiều, nên nhìn chung giá cả hàng hóa đang có xu hướng giảm. Nếu vào thời điểm này năm ngoái, lạm phát là “bóng ma” ám ảnh nền kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thì hiện nay xuất hiện “bóng ma” mới: giảm phát.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nguy cơ giảm phát đã lên đến đỉnh điểm trong vòng một thập kỷ, bởi các ngân hàng tiếp tục giảm nguồn tín dụng, doanh nghiệp thiếu vốn, làm ăn thua lỗ, giá cả giảm, đó là cái vòng luẩn quẩn đang tiếp diễn cho đến khi chấm dứt khủng hoảng (theo News Weeks). Dự báo giá cả thị trường thế giới năm 2009 giảm trung bình khoảng 20%, chỉ tăng nhẹ 0,5% vào năm 2010.

Giáo sư Roubini, người từ đầu năm 2005 đã đưa ra cảnh báo về “bóng bóng nhà đất tại Mỹ sẽ đổ vỡ” nhấn chìm nền kinh tế nước này, nhận định rằng, không thể hy vọng suy thoái kinh tế thế giới diễn biến theo hình chữ V, nghĩa là sụp đổ nhanh chóng, nhưng cũng phục hồi nhanh chóng, mà theo hình chữ U, đáy của chữ U thể hiện thời gian suy thoái, theo ông, ít nhất là 3 năm kể từ tháng 12/2007. Tại một hội nghị ở New Delhi, Ấn Độ ngày 7/3/2009, ông nhận định rằng: “các nhà hoạch định chính sách đang đi đúng hướng, nhưng tất cả đều quá ít và quá muộn”.

Để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, nhiều nước áp dụng giải pháp chủ yếu là kích cầu trong nước, giải cứu các doanh nghiệp khỏi tình trạng phá sản bằng cách bơm những khoản tiền lớn vào đầu tư và tiêu dùng để kích thích thị trường nội địa, do đó xuất hiện nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch được khôi phục, đi ngược lại xu thế tự do hóa thương mại.

Điển hình là khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ G. W. Bush thực hiện gói giải pháp cứu trợ đầu tiên vào tháng 10/2008, nước này đã đề ra những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài trong việc tiếp cận với những dự án của gói cứu trợ đó, nhiều nước đã lên tiếng phản đối, buộc Chính phủ Mỹ phải cam kết sửa đổi quy định đó.

Tuy vậy, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với đòi hỏi của người dân nước mình về việc làm, thu nhập, nên không thể không ưu tiên cho thị trường nội địa và doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề mới đang được dư luận thế giới theo dõi, để có thể tìm được giải pháp thích hợp đối với từng nước, nhưng không làm tổn hại đến xu thế mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bước vào giai đoạn mới, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc gia tăng mạnh mẽ, do vậy, cùng với các gói giải pháp của từng quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới đã phối hợp hành động ứng phó.

Ngày 2/4/2009 vừa qua, Hội nghị Nguyên thủ các nước thuộc nhóm G.20 được tổ chức tại London (Anh) để bàn về việc phối hợp hành động toàn cầu nhằm khắc phục tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, xử lý tình trạng nợ xấu và phục hồi hoạt động tín dụng của các ngân hàng, tăng cường thể chế quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng mới và cải tổ các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế, giảm thiểu sự lệ thuộc của kinh tế các nước vào đồng USD… Tại châu Á, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chủ trương thành lập Quỹ Dự trữ ngoại hối chung 100 tỷ USD để bảo vệ đồng tiền của các nước này.

Khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam

Hiện nay, đang có những ý kiến khác nhau về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Có người tỏ thái độ lạc quan về triển vọng ngắn hạn, có thể vượt qua khủng hoảng trong năm nay, thậm chí phục hồi kinh tế trong những tháng sắp đến. Nhưng cũng có không ít chuyên gia kinh tế nhận định rằng, mặc dù Chính phủ đã đề ra một số giải pháp nhằm ngăn chặn suy thoái, duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng diễn biến tình hình quý I/2009 báo trước một năm đầy khó khăn, đòi hỏi thái độ thật sự khách quan và có trách nhiệm trong việc đưa ra các dự báo, ý kiến đánh giá và từ đó có các giải pháp đồng bộ, phương thức điều hành thích hợp với tình huống mới, để nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Thương mại quốc tế của nước ta chịu tác động nghiêm trọng nhất. Theo Bộ Công thương, do thị trường bị thu hẹp, thiếu các đơn đặt hàng mới, nên kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 13,479 tỷ USD, tăng 2,42% so với quý I/2008.

Do sản xuất trong nước giảm sút, nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, vật tư, nguyên liệu giảm, làm cho kim ngạch nhập khẩu quý I đạt khoảng 11,832 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp sụt giảm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp quý I là 3,76%, thấp nhất trong hai thập niên vừa qua. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp nhà nước giảm 4,4% trong tháng 1 và 2, của kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế đầu tư nước ngoài tăng chậm, lần lượt là 6,6% và 3,3%.

Sản xuất công nghiệp trong quý II sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu vào do giá cả một số nguyên, nhiên liệu tăng như than, điện, kéo theo giá một số sản phẩm khác tăng, về đầu ra do sức mua của thị trường trong nước giảm, nhu cầu của thị trường nhiều nước bị thu hẹp. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thông báo từ đầu quý II, giá than cục từ 972 đồng/kg tăng lên 3.150 đồng/kg, bằng 3,24 lần; than cám từ 500 đồng/kg tăng lên 850 đồng/kg, bằng 1,7 lần. Giá điện từ ngày 1/3 bình quân 948 đồng/kwh, tăng 8,92% làm cho giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện tăng 3-4%.

Đầu tư nước ngoài cũng chịu tác động tiêu cực, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I vốn FDI đăng ký là 6,15 tỷ USD, bằng 65% cùng kỳ năm trước.
Viện Tài chính quốc tế dự báo, vốn FDI chảy vào các nền kinh tế mới nổi năm 2009 khoảng 165 tỷ USD, chỉ bằng gần 1/3 của năm 2008 (466 tỷ USD). Trong thời kỳ khủng hoảng, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trở nên sôi động hơn, nhưng triển vọng của hai năm sắp đến không mấy sáng sủa, các dự án đầu tư mới sẽ không nhiều.

Cán cân thanh toán quốc tế mất cân đối, mặc dù quý I đã xuất hiện trạng thái mới trong thương mại quốc tế - xuất siêu 1,647 tỷ USD sau 17 năm liên tục nhập siêu rất lớn, nhưng chưa thể coi là tín hiệu tích cực được, xuất siêu chủ yếu do xuất khẩu vàng tăng mạnh; kim ngạch nhập khẩu giảm với tốc độ lớn hơn kim ngạch xuất khẩu, tình trạng đó phản ánh bức tranh màu xám của đầu tư mới và đổi mới công nghệ.

Nếu những năm trước đây, mặc dù nhập siêu, nhưng cán cân thanh toán quốc tế vẫn giữ được cân bằng, dự trữ ngoại tệ tăng dần, thì năm nay có thể diễn ra xu hướng ngược lại, mặc dù xuất siêu nhưng cán cân thanh toán quốc tế lại mất cân đối do các nguồn thu ngoại tệ phi mậu dịch - du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối giảm, tác động đến dự trữ ngoại tệ, tỷ giá hối đoái và các hoạt động kinh tế đối ngoại.

IMF đưa ra con số dự báo năm 2009 kiều hối trên thế giới sẽ giảm 20%, trong đó các nước phát triển sẽ nhận được kiều hối ít hơn 40 tỷ USD. Trong tình trạng suy thoái kinh tế, thu nhập giảm thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài khó có được lượng kiều hối gửi về nước như năm 2008.

Thu nhập thực tế của khá đông dân cư giảm sút, gắn với việc gia tăng các hiện tượng tiêu cực xã hội. Nếu lấy giá tháng 12/2005 làm gốc, thì CPI của tháng 12/2008 tăng trên 60%, trong đó nhiều mặt hàng tăng giá gấp đôi, nhất là những mặt hàng thiết yếu về lương thực - thực phẩm chiếm khoảng 70% chi tiêu hàng tháng của nhóm dân cư có mức thu nhập trung bình và thấp, trong khi thu nhập bằng tiền: tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu khác cùng thời kỳ chỉ tăng khoảng 20-30%, đã làm cho mức sống thực tế của hàng chục triệu người giảm sút khoảng 30%.

Thực trạng đó đã gây ra phản ứng tiêu cực xã hội, điển hình là những cuộc đấu tranh của người lao động với giới chủ đòi tăng lương, tăng thu nhập để bù đắp vào khoản tăng giá, hàng trăm cuộc đình công đã diễn ra trong năm 2008 và những tháng đầu 2009, phần lớn là ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Mặc dù Chính phủ đã trình và Quốc hội đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 là 6,5%, nhưng tăng trưởng kinh tế quý I là 3,1% và dự báo quý II là 4,2% thì mục tiêu cả năm xem ra rất khó thực hiện. Theo dự báo mới nhất của WB, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4,5%.

Từ thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, chúng tôi cho rằng, đối phó với tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội của nước ta cho đến khi nào kinh tế thế giới đã được phục hồi.

Đảo nợ khi thực hiện hỗ trợ lãi suất

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố việc luật pháp nghiêm cấm đảo nợ khi thực hiện hỗ trợ lãi suất, nhưng không loại trừ khả năng tình trạng đó có thể diễn ra, bởi nhiều doanh nghiệp đã vay với lãi suất 18-20% trong thời kỳ lạm phát cao vào đầu năm 2008 chỉ cần được đảo nợ bằng nhiều thủ đoạn hợp pháp, với lãi suất chỉ bằng 1/3 thì đã sung sướng lắm rồi (!).

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được đảo nợ bởi việc cho vay ra và bù lãi suất sau khi trả sẽ giúp các ngân hàng kiểm tra chặt chẽ hơn các khoản vay. Mặc dù vậy, cần cảnh báo rằng, trong hoàn cảnh khó khăn lại có được chủ trương cho vay ưu đãi thì mối quan hệ cánh hẩu như thường diễn ra trong quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng càng được phát huy.

Ai giám sát để không xảy ra tình trạng đảo nợ do quan hệ cánh hẩu và đã có quy định luật pháp nào bảo đảm với những người đóng thuế rằng, 17.000 tỷ đồng của ngân sách được chi đúng người, đúng việc, nếu có vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh theo luật pháp(?).

Việc kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng mục tiêu của các gói kích cầu đang được Chính phủ và Quốc hội các nước tiến hành nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm những khoản tiền cứu trợ do người dân đóng thuế không bị xà xẻo.

Tháng 10/2008, Chính quyền của Tổng thống G. Bush thực hiện gói giải cứu 700 tỷ USD, thì tháng 1/2009, Tổng giám đốc các Ngân hàng và tổ chức tài chính nhận cứu trợ phải ra điều trần trước Quốc hội để trả lời những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Tháng 3/2009, khi AIG nhận khoản cứu trợ lớn của Chính phủ, nhưng lại thưởng cho các quan chức và nhân viên của mình 165 triệu USD tiền thưởng, thì Tổng thống Mỹ Barak Obama cảnh cáo họ phải trả lại khoản tiền thưởng đó, nếu không sẽ không nhận được thêm bất kỳ khoản cứu trợ nào nữa. Quốc hội đã triệu tập lãnh đạo Tập đoàn AIG đến chất vấn và ban hành ngay luật thuế đánh vào những khoản tiền thưởng đó với thuế suất 90%.

Những phản ứng kịp thời của Quốc hội và Chính phủ Mỹ chẳng những ngăn chặn được việc thất thoát ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn là khôi phục được lòng tin của người dân vào các giải pháp giải cứu của Chính phủ.

Trung Quốc có gói giải pháp ứng phó 4.000 tỷ nhân dân tệ, khoảng 580 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước trung ương chi gần 30%. Để bảo đảm gói kích cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách không bị lạm dụng, Chính phủ lập 25 đoàn giám sát gồm các chuyên gia giỏi để ngay từ khi giao vốn cho chủ đầu tư có mặt tại hiện trường, thực hiện giám sát tại chỗ. Chính phủ nước này cũng đưa ra những hình phạt nặng đối với những cá nhân, tổ chức lạm dụng các khoản cứu trợ.

Nếu như trong điều kiện bình thường, lãng phí, tham nhũng được coi là " quốc nạn", thì trong khi tình hình kinh tế- xã hội đầy khó khăn, người dân đang gồng mình lên gánh chịu hậu quả và đối phó với tình trạng thất nghiệp, thu nhập giảm sút, thì Chính phủ và Quốc hội càng cần coi trọng hơn việc giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh mọi hành vi và cá nhân lợi dụng tình hình, tham nhũng, lãng phí vốn cứu trợ từ ngân sách nhà nước.

Tổ quốc

ĐỌC THÊM