Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ Tài Chính công bố kết quả kiểm tra thép, đường, phân bón, khí hóa lỏng

Với đường, và phân bón Bộ Tài Chính đề nghị doanh nghiệp giữ ổn định, hoặc giảm giá bán trong năm 2010.

Đầu năm 2010 đến nay thép đã tăng giá trên 13%

Theo kết quả thanh tra từ Bộ Tài Chính, trong năm 2009, giá bán các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trên thị trường tương đối ổn định.

Trong quý I năm 2010, giá thép xây dựng trên thị trường nói chung và của các doanh nghiệp đều đang có xu hướng biến động và tăng giá mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 3.

Mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23/3/2010 là trên 13% và đã tăng cao hơn gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Từ ngày 15/3 đến 23/3/2010 (thời điểm đang tiến hành kiểm tra) hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thép Việt Nam đều tăng giá bán bình quân từ 300 - 1.300 đồng/kg.

Bộ Kết luận nguyên nhân tăng giá thép là do chi phí phôi thép (chiếm 95% giá thành, phôi thép nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 50%), giá thép phế liệu thế giới tăng

 

Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2009 hiệu quả không cao Tổng công ty Thép Việt Nam: lỗ 791 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên: lãi 73,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi: lỗ 172 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ: lỗ 171,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kim khí Hà Nội: lỗ 20 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kim khí miền Trung: lãi 10 tỷ đồng.

 

Qúy I/2010 phân bón tăng 4,5 đến 16,1%

 

Trong 9 tháng năm 2009 giá bán phân bón Urê tương đối ổn định, các công ty điều chỉnh giá từ 6 đến 15 lần. Trong quý I năm 2010, các doanh nghiệp có từ 1 đến 4 lần tăng giá đối với phân bón Urê với mức tăng giá từ 4,5 % đến 16,1%. Phân bón NPK thường và hạt, phân bón tổng hợp khác: giá các loại phân bón trên tăng từ 100đ/kg đến 200đ/kg (tỷ lệ từ 2% đến 5% ) so với cuối năm 2009.

Trong những tháng đầu năm 2010, giá phân bón NPK tăng 2% -5%, do lãi suất tín dụng, điện, nước và các yếu tố của thị trường làm cho các cơ sở sản xuất khai thác đều tăng giá dẫn tới giá bán các nguyên liệu chính sản xuất lân tăng từ 5,3% - 6,3%; Giá phân Urê tăng cao do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản do giá nguyên liệu chính tăng.

Bộ Tài Chính cho biết, vừa qua có nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều có lãi, quyết toán năm 2009: Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - Công ty cổ phần là 1.519 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc là 519,6 tỷ đồng;

Bộ Tài Chính yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trong nước giữ ổn định, hoặc giảm giá bán trong năm 2010, nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho nông dân.

Qúy I/2010, khí hóa lỏng tăng 3% đến 4,59%

Theo Bộ Tài Chính, trong 9 tháng đầu năm 2009, các công ty điều chỉnh giá từ 8 đến 12 lần. Trong quý 4 năm 2009, các công ty tăng giá từ 3 đến 4 lần. Trong quý 1 năm 2010, mỗi công ty tăng giá 2 lần với mức tăng giá bình quân so với giá cuối năm 2009 là 3% đến 4,59%.

Giá nhập khẩu gas tăng (gas nhập khẩu chiếm 70% nhu cầu tiêu dùng) các công ty kinh doanh gas trong nước sản xuất trong nước cũng điều chỉnh tăng, giảm giá bán gas theo sự tăng, giảm giá nhập khẩu gas, Giá nhập khẩu còn phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá ngoại tệ (USD).

 

Qúy IV/2009 đường tăng từ 1-11%

 

Trong 9 tháng đầu năm 2009: Từ tháng 3/2009, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá nhiều lần, giá bán bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng 2% - 16%; mức giá tăng cao nhất là giá bán tại thời điểm tháng 9/2009 so với mức giá tháng 1/2009 tăng 48% - 66%. Trong quý 4 năm 2009, giá bán đường tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng; giá bán bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng từ 1% - 11%.

Theo Bộ Tài Chính, chi phí nguyên liệu chính (mía cây) chiếm tỷ trọng từ 82% trở lên trong giá thành, giá mía thu mua tăng góp phần tăng giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp báo cáo điều chỉnh tăng giá dựa vào giá đường thị trường thế giới và nhu cầu thị trường trong nước.

Kết quả kinh doanh: Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu khoảng từ 7,6% đến 25,4%. Đây cũng là cơ sở để xem xét, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước giữ ổn định, hoặc giảm giá bán trong năm 2010.

Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Công thương đánh giá tác động, hiệu quả của việc việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường để thực hiện bình ổn giá đường thời gian vừa qua; cân đối cung cầu đường ăn trong nước để kiểm soát chặt việc nhập khẩu đường tránh tác động không có lợi cho sản xuất mía đường trong nước.

BTC

ĐỌC THÊM